Qua thời gian nuôi thử nghiệm, bà Yến nhận thấy dê dễ chăm sóc. Chuồng trại được xây dựng trên nền chuồng bò cũ trước đây. Thức ăn cho dê là các loại cây cỏ xanh có sẵn trong vườn nhà. Trong đó, dê thích ăn lá cây keo sản, được nhiều người dân trồng làm trụ sống cho hồ tiêu.
Đàn dê của gia đình bà Hoàng Hải Yến, xã Nam Dong mang về lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm |
Theo bà Yến, việc chăn nuôi dê đòi hỏi chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát và sạch sẽ. Hàng ngày, bà theo dõi kiểm tra đàn dê 2 lần vào buổi sáng và tối. Nếu dê có biểu hiện nóng sốt, ợ hơi là tiến hành cho cách ly và điều trị ngay.
Chỉ sau gần 1 năm chăm sóc, đàn dê bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dê cái sau 5 tháng mang bầu đã sinh sản. Khoảng 4 tháng sau, trọng lượng của dê con đã đạt khoảng 15 - 20 kg/con.
“Đàn dê tăng trọng lượng rất nhanh. Chỉ cần bán mấy con dê con là gần như thu hồi được số vốn bỏ ra ban đầu”, bà Yến cho hay.
Trước hiệu quả kinh tế khá cao, bà Yến quyết định vay mượn để mở rộng đàn dê. Bà mua thêm vài con dê đực giống Nam Phi (còn gọi là dê Boer) và dê cái để tăng số lượng sinh sản.
Đến nay, gia đình bà Yến đã phát triển đàn dê lên đến 140 con, bao gồm cả dê giống và dê thịt. Hiện tại, dê thịt đang được bán với giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg và dê giống có giá khoảng 150.000 đồng/kg.
Bà Yến ước tính, trừ tất cả các chi phí về nhân công, lãi ngân hàng… gia đình thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm từ nuôi dê. Ngoài ra, bà còn thu được lượng phân dê khá lớn để bón cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Đàn dê của bà Yến chỉ là một trong số nhiều mô hình nuôi dê đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định tại thôn Tân Ninh. Hầu hết các hộ dân trong thôn nuôi dê giống Nam Phi. Đây là loại dê tăng trọng lượng nhanh và chất lượng thịt tốt, được thị trường ưa chuộng. Mỗi gia đình thường có 1 hoặc vài con dê đực giống Nam Phi để phối với dê cái giống thường.
Nhiều hộ dân tại xã Nam Dong thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê để cùng nhau làm giàu. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Tháng 6/2020, các hộ nuôi dê trong thôn đã thống nhất thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thôn Tân Ninh. Sau khi đi vào hoạt động, 10 thành viên trong tổ đã được tập huấn quy trình kỹ thuật về chăm sóc, thức ăn và xử lý các bệnh thông thường cho đàn dê. Các thành viên trong tổ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê nên đàn dê của các tổ viên đều phát triển tốt.
Theo anh Nguyễn Văn Trung, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thôn Tân Ninh, bà con lựa chọn chăn nuôi dê vì thức ăn có sẵn như lá cây trên các trụ tiêu sống, hoặc cây cỏ, bắp... Nhân công, các chi phí khác trong chăn nuôi dê lại rất thấp. Mỗi năm, các thành viên trong tổ có lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo UBND xã Nam Dong, thời gian gần đây, quy mô đàn gia súc trên địa bàn có xu hướng tăng. Riêng đàn dê tăng khá nhanh và hiện có khoảng 3.200 con.
Việc nuôi dê vừa tận dụng được thế mạnh thức ăn sẵn có, vừa có phế phẩm phục vụ sản xuất cây trồng. Các mô hình nuôi dê tại xã Nam Dong đang đạt được hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới trong chăn nuôi tại địa phương.