Nắm bắt thị trường để chủ động sản xuất

Thanh Nga| 09/05/2022 14:20

Tìm hiểu thị trường rồi mới sản xuất là cách làm phổ biến hiện nay. Cách làm này giúp người dân, doanh nghiệp chủ động được khâu sản phẩm, tránh bị động trước những biến động của thị trường.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại hữu cơ Hoàng Nguyên (Đắk Song) là một trong những đơn vị tiên phong về sản xuất hồ tiêu hữu cơ.

Sản phẩm hồ tiêu của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật Bản, Canada, châu Âu và xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” trên thế giới. Năm 2021, sản lượng hồ tiêu HTX đạt 272 tấn, với doanh thu gần 28 tỷ đồng.

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX, thay vì chờ các đối tác đến tìm hiểu sản phẩm, HTX đã chủ động tìm hiểu thị trường để sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Cách làm này đã được HTX triển khai từ 10 năm trước.

Nhờ tìm hiểu được thị trường, HTX đã hướng sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng lớn. Điều này cũng đòi hỏi HTX phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

"Với cách làm mới mẻ này, những năm qua, HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp khoảng 2 lần so với trồng hồ tiêu thông thường", bà Thu chia sẻ.

Hồ tiêu hữu cơ của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại hữu cơ Hoàng Nguyên (Đắk Song) xuất khẩu sang các thị trường châu Âu

Nhiều năm nay, HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil (Đắk Mil) đã tìm hướng sản xuất cà phê chất lượng cao và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Võ Đình Danh, Giám đốc HTX, trước khi cho ra đời những sản phẩm cà phê chất lượng cao, HTX đã đến các thành phố lớn để tìm hiểu thị trường, nhất là nhu cầu người tiêu dùng.

Từ đó, HTX đã định hướng sản xuất cà phê một cách phù hợp. Trước hết, HTX đã thay đổi cách chăm sóc vườn cà phê. Những vườn trồng mới, HTX áp dụng kỹ thuật chăm sóc hữu cơ ngay từ đầu. Còn những vườn cà phê cũ, HTX tìm cách cải tạo, chuyển sang sản xuất hữu cơ.

Khi có sản phẩm, HTX chủ động cân đối giá cả để phù hợp với các đối tác. Phần lớn sản phẩm cà phê của HTX cũng được sản xuất theo đơn đặt hàng, không còn cảnh phụ thuộc vào thị trường.

Theo ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương), chủ động tìm kiếm thị trường để sản xuất phù hợp là cách làm khoa học, bài bản, đúng với quy luật thị trường.

Sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông cũng cần tuân thủ theo quy luật này nếu muốn phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao. “Chúng ta tìm thị trường trước và sản xuất ra sản phẩm của mình sau. Đó là lối đi của sản xuất, kinh doanh mới trong thời đại mở hiện nay”, ông Thức nhấn mạnh.

Ông Thức lấy ví dụ thực tiễn về sản xuất vải thiều ở Hải Dương. Theo đó, bà con ở Hải Dương đã tạo ra các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn riêng của từng thị trường.

Trong đó, có vùng sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ, vùng sản xuất cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng phục vụ châu Âu... Tất cả vùng sản xuất đều nắm rõ nhu cầu thị trường, không còn sản xuất đại trà.

Cũng theo ông Thức, nông dân, các HTX nếu không đủ khả năng thì có thể thông qua các tổ chức như Hội Nông dân, các trung tâm xúc tiến thương mại, ngành chức năng để tìm hiểu thị trường.

Bà con cũng cần liên kết lại với nhau để tìm hiểu, xây dựng thị trường, tạo ra các sản phẩm đủ tốt để xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/nong-nghiep-nong-thon/nam-bat-thi-truong-de-chu-dong-san-xuat-92873.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/nong-nghiep-nong-thon/nam-bat-thi-truong-de-chu-dong-san-xuat-92873.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nắm bắt thị trường để chủ động sản xuất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO