Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Theo đánh giá, trong năm 2021, Chính phủ, Ban ATGT, các tỉnh, thành phố đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATGT. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 2.884.855 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt gần 2.809 tỷ đồng, tước 248.667 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 460.085 phương tiện các loại.
Tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/12/2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (23,32%), số người chết giảm 1.068 người (15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (28,16%). Trong đó, 55 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7 địa phương giảm trên 30%: An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long. Bên cạnh đó, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020 là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nỗ lực của các lực lượng chức năng đã góp phần kéo giảm mạnh cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, TNGT vẫn ở mức cao, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân. Tình trạng xe chở quá tải trọng vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, gây bất bình trong dân…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, năm 2022 khi dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát, hoạt động giao thông vận tải dần quay về với mức độ cao, dự báo tình hình TNGT sẽ gia tăng. Vì vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia, các tỉnh, thành phố cần triển khai 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh; nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh; xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cần đổi mới, theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.