Chim mòng biển. (Ảnh: THX/TTXVN)
Na Uy và Phần Lan cho biết hai nước này đang đối mặt với các đợt bùng phát cúm gia cầm lớn nhất từ trước đến nay, làm chết hàng nghìn con mòng biển và các loài khác, tiềm ẩn nguy cơ với gia súc và dẫn đến hạn chế đi lại tại một số khu vực.
Chính quyền thành phố Vadso ở Bắc Cực, thuộc hạt Finmark của Na Uy thông báo đã thu được hơn 10.000 con gia cầm chết trong khu vực, trong khi Cơ quan An toàn thực phẩm Na Uy (NFSA) ngày 27/7 áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 3 khu bảo tồn thiên nhiên.
NFSA nhận định các đợt bùng phát cúm gia cầm tại Finnmark trong năm nay lớn hơn nhiều các đợt dịch trước đây tại Na Uy.
Trong thông báo ngày 26/7, Bộ Y tế và các Vấn đề Xã hội Phần Lan khẳng định nguồn bệnh là biến thể đang lây lan trong mòng biển.
Nhà chức trách đã phát hiện chủng H5N1 ở 20 trang trại nuôi thú lấy lông, tăng so với 12 trang trại trước đó trong tuần này. Chim hoang dã đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Những năm gần đây, cúm gia cầm lây lan khắp châu Âu. Chỉ riêng tại Pháp, đã có hàng triệu gia cầm bị tiêu hủy trong tháng 5 và 6, ảnh hưởng đến nguồn cung trứng và thịt gia cầm.
Mặc dù chủng virus H5N1 đã lây lan trong gia cầm và chim hoang dã trong nhiều năm, song hiện đã có các báo cáo về các đợt bùng phát rải rác trên toàn cầu ở động vật có vú như mèo, chồn và rái cá.
Trong tháng này, 3 cơ quan Liên hợp quốc cảnh báo các đợt dịch trên toàn cầu làm dấy lên quan ngại rằng virus có thể đã thích nghi để lây nhiễm cho người dễ hơn và kêu gọi các nước tăng cường giám sát bệnh và cải thiện điều kiện vệ sinh tại các trang trại gia cầm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng nguy cơ lây nhiễm H5N1 sang người vẫn còn thấp, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi chặt chẽ các trường hợp lây nhiễm ở động vật có vú./.