Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1, tại Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở quận Cholsan thuộc tỉnh Bắc Phyongan sáng 31/5/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Ngày 3/6, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực trong năm nay.
Theo hãng tin Yonhap, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã công bố thông tin trên sau cuộc gặp ba bên với những người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin và bên phía Nhật Bản là Yasukazu Hamada bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La tại Singapore.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Lee Jong-sup nêu rõ bên cạnh việc tích cực thực thi các biện pháp mà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn đã nhất trí tại cuộc gặp ba bên ở Campuchia vào tháng 11/2022, ba nước cũng nhất trí nâng hợp tác an ninh lên cấp độ mới.
Về vấn đề chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực, ba nước quyết định kết nối các hệ thống chia sẻ thông tin, gồm hệ thống thông tin Mỹ-Hàn với hệ thống thông tin Mỹ-Nhật, vận hành hệ thống kết hợp này trong năm nay.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ sớm tiến hành các cuộc đối thoại cấp chuyên viên về vấn đề này.
Để thực hiện kế hoạch chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực mà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí vào năm ngoái, thời gian qua, ba nước đã thảo luận về chia sẻ dữ liệu dựa trên thỏa thuận chia sẻ thông tin mà ba bên ký kết vào năm 2014.
Hiện nay việc chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực chỉ được triển khai giữa quân đội Hàn Quốc với Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Phía Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có cơ chế tương tự.
Trước đó, sáng 31/5, Triều Tiên đã phóng một vệ tinh quân sự vào khoảng 6h30 song thất bại. Nguyên nhân được cho là trục trặc động cơ và vấn đề ổn định nhiên liệu.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của nước này đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1 tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan thuộc tỉnh Bắc Phyongan lúc 6h27 sáng 31/5 theo kế hoạch đã định.
Bản tin của KCNA có đoạn: “Tên lửa đẩy mang vệ tinh mới Cheollima-1 đã rơi xuống vùng biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên sau khi bị mất động lực do sự cố khởi động bất thường của động cơ 2 tầng trong lúc đang bay một cách bình thường.”
Người phát ngôn của NADA cho rằng nguyên nhân thất bại là vì độ ổn định thấp của hệ thống động cơ kiểu mới được áp dụng cho tên lửa đẩy Cheollima-1 và đặc tính không ổn định của nhiên liệu được sử dụng.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Yonhap dẫn nhận định của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ phóng vệ tinh quân sự khác trong khoảng thời gian mà Bình Nhưỡng công bố trước đó, từ ngày 31/5 đến ngày 11/6./.