Mỹ khó đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát

YÊN LINH| 03/05/2024 06:57

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell thông báo giữ nguyên lãi suất, đồng thời bày tỏ thất vọng về tình hình lạm phát chưa hạ nhiệt như kỳ vọng. Quyết định của FED cho thấy, cuộc chiến chống lạm phát của Xứ Cờ hoa còn dai dẳng và nhiều trở ngại trong hành trình đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Trong tuyên bố chính sách mới nhất, FED vẫn giữ nguyên các yếu tố chính trong đánh giá kinh tế và hướng dẫn chính sách. Mặc dù đánh giá tình hình lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, song các nhà hoạch định chính sách FED cho rằng việc cắt giảm lãi suất chỉ phù hợp khi nhận thấy lạm phát đang giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2%. Ông Powell nói: "Tôi nghĩ rằng, khó có khả năng động thái chính sách tiếp theo sẽ là tăng lãi suất".

FED cảnh báo, trong những tháng gần đây, cơ quan được thành lập năm 1913 này nhận thấy việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% không có nhiều tiến triển và lạm phát vẫn ở mức cao. Mặc dù trong tuyên bố trước đó vào tháng 3, FED đánh giá rủi ro đối với nền kinh tế số 1 thế giới đang chuyển sang trạng thái cân bằng hơn, song tuyên bố mới đây, cơ quan này ám chỉ quá trình này đang ì ạch. Tuy nhiên, FED vẫn duy trì đánh giá một cách lạc quan về tăng trưởng kinh tế, cho rằng nền kinh tế số 1 thế giới tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc, tỷ lệ việc làm tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Các tuyên bố mới của FED khiến nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ về thời điểm cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh lãi suất chính sách của Mỹ được "ghim" ở mức cao 5,25-5,50% trong một thời gian dài, kể từ tháng 7/2023. Việc cắt giảm lãi suất ban đầu được dự đoán ngay từ tháng 3 vừa qua, nhưng bị trì hoãn do số liệu lạm phát gần đây cho thấy tiến trình hướng tới mục tiêu 2% đang chuyển biến chậm. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng 2,7% trong tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Động thái của FED ngay lập tức tác động tới thị trường chứng khoán Mỹ. Chốt phiên giao dịch ngày 1/5 (giờ địa phương), chứng khoán Mỹ có những phản ứng trái chiều. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 87,37 điểm, tương đương 0,23%, lên 37.903,29. Chỉ số S&P 500 giảm 17,30 điểm, tương đương 0,34%, xuống 5.018,39. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,34 điểm, tương đương 0,33%, xuống 15.605,48. Chỉ số của sáu trong số 11 lĩnh vực chính trong nhóm S&P 500 kết thúc trong sắc đỏ, trong đó năng lượng và công nghệ dẫn đầu các ngành giảm điểm, mất lần lượt 1,60% và 1,26%. Trong khi đó, nhóm tiện ích và dịch vụ truyền thông dẫn đầu mức tăng khi tăng lần lượt 1,14% và 0,84%.

Sau nhận xét của ông Powell, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 4,6%, giúp các nhà đầu tư bớt lo ngại nguy cơ con số này vượt quá 5% và hạn chế tăng trưởng kinh tế. Diễn biến này đã thúc đẩy mức tăng của các cổ phiếu công nghệ lớn, vốn nhạy cảm với lãi suất và tâm lý rủi ro, như của Microsoft và Alphabet. Cổ phiếu của Amazon tăng 2,29% nhờ doanh thu quý I/2024 ấn tượng, trong khi cổ phiếu của Meta Platforms chứng kiến mức tăng hơn 2%. Đồng USD giảm 0,19% trong khi euro tăng 0,23%, đạt 1,0689 USD. So với đồng yen, USD giảm 0,18% với 1 USD đổi được 157,52 yen, trong khi đồng bảng Anh tăng 0,01% ở mức 1 bảng đổi 1,2491 USD.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cùng đưa ra dự báo kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 1,5% năm 2024, cao gấp đôi so với dự báo đưa ra cho nền kinh tế Anh nói riêng và cao hơn tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu nói chung. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại rằng, những điều kiện tài chính hạn chế hơn do chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ là một trở ngại đối với nền kinh tế Xứ Cờ hoa. Lĩnh vực bất động sản và kinh doanh sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng việc làm giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Lạm phát tiếp tục giảm do tốc độ tăng trưởng chậm lại và chuỗi cung ứng thông thoáng. Khi lạm phát giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/my-kho-dat-muc-tieu-kiem-che-lam-phat-post807526.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ khó đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO