Ngày 22/5, giới chức y tế Mỹ thông báo phát hiện trường hợp mắc cúm gia cầm thứ hai ở người tại bang Michigan, chưa đầy hai tháng sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên tại bang Texas trong bối cảnh dịch đang lây lan nhanh trong các đàn bò sữa.
Theo nhà chức trách, cả hai trường hợp nhiễm virus H5N1 đều là công nhân trang trại bò sữa. Họ chỉ gặp các triệu chứng nhẹ và đã dần phục hồi.
Đối với trường hợp mới nhất tại Michigan, nhà chức trách đã phát hiện virus trong bò sữa tại trang trại người này làm việc.
Với số ca nhiễm ở người còn lẻ tẻ như hiện nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vẫn đánh giá rủi ro với cộng đồng ở mức thấp.
CDC dự đoán số ca nhiễm sẽ còn tăng do nồng độ virus cao trong sữa của những con bò mắc bệnh và mức độ lan nhanh của virus trong các đàn bò sữa.
Tính đến ngày 22/5, tổng cộng có 52 đàn gia súc ở 9/50 bang tại Mỹ đã mắc cúm gia cầm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ghi nhận các trường hợp lây lan giữa những con bò trong cùng một đàn và giữa các trang trại bò sữa có liên quan đến hoạt động di chuyển gia súc.
Các chuyên gia vẫn chưa nhận thấy những thay đổi ở virus có thể làm tăng khả năng lây truyền sang người hoặc giữa người với người.
USDA cũng đã hỗ trợ tài chính nhằm giúp đỡ các trang trại bị ảnh hưởng, chẳng hạn như cung cấp thiết bị bảo hộ cho nhân viên.
Theo CDC, những người tiếp xúc gần với động vật mắc bệnh trong thời gian dài và không mặc đồ bảo hộ sẽ có nguy cơ nhiễm virus cao hơn.
Vào tháng Ba, nhà chức trách đã phát hiện các ca nhiễm virus ở bò và dê. Điều này khiến giới chuyên gia ngạc nhiên vì loài này được cho là không mẫn cảm với chủng cúm H5N1.
Dù phát hiện virus trong sữa bò, song giới chức y tế khẳng định sữa bán ở các cửa hàng ở Mỹ là an toàn do quá trình thanh trùng đã loại bỏ virus một cách hiệu quả.
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp lây truyền từ người sang người, song giới chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng virus biến đổi thành một dạng có thể lây lan giữa người với người.
Cúm gia cầm A(H5N1) lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1996. Kể từ năm 2020, số đợt bùng phát dịch bệnh ở chim đã tăng lên đáng kể, kèm theo đó là sự gia tăng các ca nhiễm ở động vật có vú./.