Các cơ quan quản lý hàng đầu của Mỹ vừa đề xuất các quy tắc mới nhằm đẩy nhanh công tác đánh giá rủi ro đối với ổn định tài chính, đồng thời tạo thuận lợi cho việc xác định những tổ chức tài chính phi ngân hàng nào giữ vai trò quan trọng mang tính hệ thống, để sau đó đặt những tổ chức này dưới sự giám sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Hội đồng Giám sát ổn định tài chính (FSOC) đã đưa ra các đề xuất lấy ý kiến công chúng chỉ hơn một tháng sau khi hai ngân hàng Mỹ phá sản, gây ra mối đe dọa lớn nhất cho hệ thống tài chính kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh tới sự quan ngại về các tổ chức tài chính phi ngân hàng, bao gồm cả các quỹ phòng hộ, do thiếu sự giám sát đối với những tổ chức này, cùng với nguy cơ sụp đổ mang tính hệ thống từ các công ty tài chính gặp khó khăn.
Bà Yellen cho biết, hướng dẫn mới sẽ loại bỏ một số "rào cản không phù hợp" đối với việc xác định vai trò của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong hệ thống tài chính.
Hướng dẫn mới sẽ thay các yêu cầu đánh giá khả năng phá sản của một công ty theo các sửa đổi hồi năm 2019 bằng một quy trình phân tích định lượng và định tính.
Đề xuất về khung đánh giá rủi ro mới của FSOC là nhằm tăng cường khả năng giải quyết các rủi ro về ổn định tài chính bằng cách xem xét trên diện rộng các loại tài sản, tổ chức và hoạt động tài chính.
Chúng bao gồm thị trường nợ, cho vay, vốn cổ phần ngắn hạn, tài sản kỹ thuật số và các công cụ phái sinh; các đối tác, hệ thống thanh toán và bù trừ; các tổ chức tài chính bao gồm các tổ chức ngân hàng, đại lý môi giới, công ty quản lý tài sản, công ty đầu tư, công ty bảo hiểm, các bên khởi tạo giao dịch thế chấp và dịch vụ thế chấp.
Ngoài ra, khung đánh giá rủi ro mới này cũng nêu cụ thể các lỗ hổng mà FSOC và các cơ quan quản lý thành viên cần xem xét khi đánh giá các rủi ro tiềm ẩn, Chúng bao gồm đòn bẩy, rủi ro thanh khoản và chênh lệch đáo hạn, rủi ro hoạt động và các hoạt động quản lý rủi ro của công ty.
Tuy nhiên, các quỹ phòng hộ, quỹ tương hỗ và các công ty quản lý tài sản đã phản hồi không mấy tích cực với thông tin trên.
Ông Eric Pan, Giám đốc điều hành của Investment Company Institute, hiệp hội gồm các quỹ đầu tư và nhà quản lý tài sản toàn cầu, cho hay FSOC nên tránh kết luận rằng việc định danh và áp dụng các công cụ quản lý thận trọng tượng tự như với các ngân hàng là cách đúng đắn để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ việc quản lý tài sản.
Theo một số chuyên gia trong ngành, các quỹ quản lý tài sản thường được khách hàng chỉ định. Hơn nữa, các quỹ này có quy mô tài sản khá nhỏ. Do đó, không cần thiết phải thắt chặt quản lý đối với đặt những quỹ này như đề xuất của FSOC.
Trong một diễn biến liên quan, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tình trạng hỗn loạn ngân hàng gần đây ở Mỹ và châu Âu có thể lan sang các tổ chức phi ngân hàng quan trọng như quỹ hưu trí, làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát cao của các ngân hàng trung ương.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, các nhà kinh tế của IMF cho rằng rủi ro ngành ngân hàng có thể gia tăng trong những tháng tới trong bối cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt trên toàn cầu và lan sang khu vực phi ngân hàng, hiện nắm giữ gần một nửa tổng tài sản tài chính toàn cầu.
Bài viết được đăng kèm một chương trong báo cáo 6 tháng một lần của IMF về tình hình tài chính toàn cầu.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng trung ương ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã đi đúng hướng khi cố gắng giải quyết tình trạng lạm phát cao bằng cách tăng lãi suất mà không làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng do sự sụp đổ nghiêm trọng của Ngân hàng Silicon Valley (SVB).
Trong khi đó, các trung gian tài chính phi ngân hàng (NBFI) như quỹ hưu trí và quỹ đầu tư đã phát triển đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi các cơ quan quản lý chuyển sang siết chặt các quy định đối với ngân hàng.
IMF cho rằng do có mối liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng truyền thống, NBFI có thể trở thành một kênh làm gia tăng gấp bội căng thẳng tài chính.
Để giải quyết vấn đề một cách chính xác, IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải sử dụng nhiều công cụ, bao gồm ban hành giám sát và quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực này, đồng thời yêu cầu các công ty chia sẻ thêm dữ liệu về những rủi ro mà họ đang gặp phải.
Các chuyên gia đánh giá các ngân hàng trung ương cũng có thể đóng vai trò, tập trung vào hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu cho các NBFI tiềm ẩn rủi ro cho sự ổn định tài chính và cho những thể chế được coi là quan trọng về mặt hệ thống./.