Nông nghiệp - Nông thôn

Mướp đắng rừng ở Cư K'nia - trồng một lần, thu liên tục 6 tháng

Nam Nguyễn 30/03/2023 05:00

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, năm 2022, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cư K'nia (Cư Jút) triển khai  trồng thâm canh mướp đắng rừng. Nhờ giá cả ổn định nên thu nhập của người dân ngày một nâng cao.

ADQuảng cáo

Sau khi cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, ông Đỗ Văn Hiền ở thôn 12, xã Cư K'nia tận dụng trụ tiêu làm giàn chuyển qua trồng 2 sào mướp đắng rừng. Ông Hiền cho biết, việc chăm sóc cây mướp đắng rừng không khó bởi đây là cây trồng mọc trong tự nhiên, có sức kháng bệnh, chịu hạn tương đối tốt nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc và chi phí phân bón.

Cây mướp đắng rừng từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 50 đến 60 ngày. Với 2 sào mướp đắng, mỗi ngày thu khoảng 80kg quả/sào và thu liên tục trong vòng 6 tháng. Với giá bán 10.000 đồng/kg và được bao tiêu sản phẩm nên ông rất phấn khởi. Ngoài trồng mướp đắng rừng lấy quả, gia đình ông Hiền còn hái đọt non để bán. Cây để lấy đọt không cần làm giàn leo, thu hoạch sau một tháng trồng.

z4218684226654_2e3255ebc838911a1291d6e21821d0cd-1-(1).jpg
Khổ qua rừng được trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.
ADQuảng cáo

Tương tự, ông Nông Văn Thụy ở thôn 12, xã Cư K'nia cũng trồng 2 sào mướp đắng rừng. Nhờ cây trồng này, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khá cải thiện đời sống. Theo ông Thụy, mướp đắng rừng dễ trồng, ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch, kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ. Chúng có giá trị kinh tế khi cả lá, quả đều sử dụng được.

Mướp đắng rừng được trồng bằng hạt, nông dân mắc giàn cao 2 m để dây dễ leo bám vào. Trung bình cứ 1.000 m2 làm thành một giàn. Mỗi giàn có giá đầu tư gần 10 triệu đồng và độ bền trong hai năm. Cây thường cho quả sau 3 tháng trồng. Mướp đắng rừng có đặc điểm thân cây và quả bé, có vị đắng hơn mướp đắng thường. Mỗi dây có thể ra quả liên tiếp trong vòng nửa năm thì nhổ gốc, trồng cây mới. Trái chín có thể sẽ tách lấy hạt, phơi khô để làm giống.

Mô hình trồng mướp đắng rừng không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K'nia cho biết, địa phương hiện có 35 hộ trồng mướp đắng rừng, với diện tích khoảng 20ha. Theo UBND xã Cư K'nia, để người dân hiểu hơn về giá trị của cây mướp đắng rừng, xã đã tổ chức đánh giá mô hình. Hầu hết các hộ tham gia mô hình đều thành công và đánh giá cao giá trị kinh tế đạt được. Mướp đắng rừng có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu tốt các yếu tố ngoại cảnh; ít nhiễm sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Các hộ dân khi trồng đều tìm được đầu mối bao tiêu sản phẩm nên người dân yên tâm sản xuất.­­

Thời gian tới, xã Cư K'nia tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình theo quy hoạch, đồng thời tiến tới thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trồng mướp đắng rừng để xây dựng thương hiệu từ loại cây trồng này.

ADQuảng cáo
Theo Hiệu quả kinh tế từ trồng thâm canh mướp đắng rừng
Hiệu quả kinh tế từ trồng thâm canh mướp đắng rừng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mướp đắng rừng ở Cư K'nia - trồng một lần, thu liên tục 6 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO