Muốn tinh gọn phải nhìn thẳng sự thật
Những ngày qua có nhiều ý kiến đề xuất về việc tinh giản bộ máy theo tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm với quyết tâm làm 'tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả'.
Nhìn chung các ý kiến đã phản ảnh tình trạng cồng kềnh kém hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý hiện nay, nêu ra sự cần thiết phải thay đổi và quyết tâm tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian tới.
Các ý kiến cũng đã nêu lên tính cấp bách, tầm ảnh hưởng của việc này lớn tới mức như là của một cuộc cách mạng trong sự nghiệp quản lý đất nước.
Năng suất lao động của bộ máy thấp, thu nhập của cán bộ, công chức thấp, làm giảm nhiệt tình công tác và dễ tham nhũng, gây mất lòng dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Bắt đầu từ đâu?
Điều này ai cũng biết, ai cũng thấy cần phải có cuộc cách mạng hành chính, tinh giản bộ máy. Tuy nhiên vấn đề cần bàn là bắt đầu từ đâu, vì sao hàng chục năm nay đã thực hiện cải cách hành chính nhưng thể chế, tổ chức của bộ máy không được cải thiện, thủ tục hành chính vẫn còn quá nhiêu khê, phiền hà đến nay phải làm cách mạng?
Không thể giảm biên chế một cơ quan nếu cơ quan đó có quá nhiều việc buộc phải làm theo luật định. Không thể tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị nếu biên chế được phân bổ theo chức danh do luật định. Do đó, trước hết phải trả lời câu hỏi "Do đâu mà hệ thống chức danh cồng kềnh với số lượng nhân sự khổng lồ của bộ máy hiện nay?".
Theo mô hình nhà nước phục vụ dân thì phải luôn đặt câu hỏi: "Người dân cần gì ở chính quyền?". Nếu ta gọi các loại giấy phép, giấy đăng ký hoặc ý kiến chỉ đạo hướng dẫn cho dân, quyết định khen thưởng hay xử phạt là quyết định hành chính, thì quyết định hành chính có được nhờ một quá trình khái quát như sơ đồ.
Theo sơ đồ này, hệ thống quan điểm và mục tiêu quản lý nằm trong chủ trương đường lối chính sách của Đảng. Quốc hội thể chế hóa thành luật, Chính phủ, HĐND, UBND ban hành các quy định thực hiện luật, trong đó có thủ tục hành chính.
Thủ tục hành chính có hai nội dung cơ bản là thẩm quyền, trách nhiệm ra quyết định và điều kiện đối tượng (tổ chức, công dân) cần hội đủ để ra quyết định. Theo đó, thẩm quyền và điều kiện để ra quyết định hành chính đều do pháp luật quy định.
Pháp luật đều bắt nguồn từ quan điểm và mục đích yêu cầu quản lý của Đảng. Ngoài ra theo phân cấp quản lý, Chính phủ và chính quyền địa phương cũng có quyền ban hành văn bản pháp luật.
Nếu quan điểm quản lý sáng suốt theo đúng vấn đề cốt yếu, mục tiêu quản lý cũng nhắm vào cốt yếu, rõ ràng thì khối lượng công việc để thực hiện mục tiêu sẽ giảm, biên chế sẽ giảm. Như vậy biên chế của bộ máy là do quan điểm và mục đích yêu cầu quản lý sinh ra. Do đó muốn tinh giản bộ máy phải thực hiện triệt để đổi mới tư duy thay đổi quan điểm quản lý.
Nếu cái gì cũng muốn "ôm"
Nền kinh tế - xã hội của nước ta phải có năng suất lao động cao để cạnh tranh thắng lợi trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Quan điểm quản lý phải đổi mới theo mục tiêu đó. Mong muốn và quyết tâm cải cách hành chính, tinh giản biên chế đã được đề ra và thực hiện mấy mươi năm nay nhưng không thành công thì nhất định không thể lại chỉ tiếp tục theo cách cũ.
Như ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là cuộc cách mạng tinh giản và tiến hành từ trên xuống. Đúng như ý của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: "Chính cái gì cũng muốn "ôm" vào (để quản)..." là nguyên nhân cồng kềnh và yếu kém của bộ máy hiện nay. Để không "ôm" phải tinh giản nội dung, mục đích, yêu cầu quản lý. Nếu không đổi mới quyết liệt tư duy, thay đổi quan điểm quản lý sẽ không làm được việc này (không kể "ôm" vì mục đích vụ lợi).
Để thay đổi tư duy rất cần nhìn thẳng vào sự thật. Nếu bằng quyết định hành chính bãi bỏ cơ quan, sát nhập các đơn vị hành chính mà không xem xét thực chất khối lượng công việc sẽ dễ dẫn đến quá tải, ùn ứ công việc. Cần xem các hoạt động nào của đoàn thể, chính quyền không còn đem lại lợi ích thực sự thì bãi bỏ trước.
Hiện nay có nhiều tổ chức, đoàn thể, trường học, báo đài có cũng được, không có cũng chẳng sao. Hay nếu trao quyền quyết định đầu tư cho địa phương thì các bộ không phải thụ lý hồ sơ dự án, chỉ chuyên tâm làm chính sách và pháp luật.
Có rất nhiều việc cần có thời gian, như đổi mới hệ thống pháp luật, đào tạo lại nhân lực lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện công ăn việc làm cho những người phải rời biên chế nhà nước...
Cách mạng thường là phong trào, nhưng cuộc cách mạng này không chỉ là phong trào, nó cần được tổ chức thực hiện như một chương trình chiến lược quốc gia (có mục tiêu, giải pháp và kế hoạch cụ thể) do Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo mới thành công.