Muốn nông nghiệp phát triển phải thu hút đầu tư vào khâu chế biến

Thanh Nga thực hiện| 11/02/2022 09:05

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp là thu hút đầu tư vào khâu chế biến nông sản. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT.

ADQuảng cáo

PV: Hiện nay, các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu còn nhỏ lẻ, thiếu quy mô. Do đó, phần lớn sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thường xuất bán ở dạng thô, kém giá trị. Vậy, tỉnh đang hướng tới thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản như thế nào, thưa bà ?

Bà Nguyễn Thị Tình: Thời gian qua, nhiều chương trình, đề án của tỉnh đã hướng tới thu hút đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến sâu nông sản sau thu hoạch. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su.

Trước đây, các sở, ngành nhiều khi còn thụ động trong việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp. Còn bây giờ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, nên các sở, ngành phải chủ động đi mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp vào đầu tư.

Trong đó, tỉnh Đắk Nông đặc biệt tạo điều kiện về đất đai, ưu đãi về thuế, sẵn sàng hợp tác làm việc khi doanh nghiệp yêu cầu, kể cả ngày nghỉ. Tức là, tỉnh có sự chỉ đạo, triển khai đồng bộ từ chính quyền các cấp đến các sở, ngành trong thu hút đầu tư.

 Đồ họa: Bình Minh - Thanh Nga

PV: Thưa bà, việc đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản sẽ đem lại những lợi ích nào ?

Bà Nguyễn Thị Tình: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản. Các doanh nghiệp chủ yếu sơ chế, chế biến cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, các loại trái cây, lúa gạo, ngô và các loại đậu…

Các doanh nghiệp này sẽ là các “vệ tinh” cho các nhà máy lớn trong nước đồng thời là một trong những thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lớn sau này đầu tư vào chế biến nông sản ở Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Như đã biết, công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay của tỉnh còn những hạn chế. Đa số doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản chủ yếu ở dạng thô, sơ chế là chính.

Để có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp, cần có một số nhà máy sơ chế, chế biến nông sản có quy mô lớn, theo hướng chuyên sâu để gia tăng sản phẩm. Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh có nội dung trọng tâm là xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu.

Hiện tại, về ngành hàng cà phê đã có  một số cơ sở chế biến cà phê bột, nhưng quy mô nhỏ. Về ngành hàng hạt điều, đa số chế biến đơn giản. Hồ tiêu chủ yếu ở dạng thô như tiêu đen, tiêu sọ.

Khâu chế biến tinh dầu tiêu hoặc các sản phẩm khác từ hồ tiêu chưa có. Các lĩnh vực sơ chế, chế biến các cây trồng khác, trong đó có trái cây, các loại hạt, lương thực... còn nhỏ lẻ, ở dạng thô.

Đắk Nông có diện tích đất nông nghiệp gần 600.000 ha, chiếm tỷ lệ trên 90% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 37,57% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì các cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Tỉnh cũng định hướng phát triển cây mắc ca và một số cây ăn quả có giá trị để phục vụ xuất khẩu cao.

Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, địa phương sản xuất gắn với vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất, chế biến nông sản.

PV: Trân trọng cảm ơn bà !

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn nông nghiệp phát triển phải thu hút đầu tư vào khâu chế biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO