Từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, hầu như ngày nào ông Vàng A Hòa, thôn 7, xã Đắk R'măng cũng vào rừng hái bông đót. Do thời tiết nắng nóng nên ông Hòa chỉ tranh thủ hái từ sáng đến trưa là nghỉ. Sau 5 tiếng đồng hồ làm việc liên tục, với số lượng 20kg bông đót, ông Hòa có thể thu về số tiền gần 200.000 đồng.
Ông Vàng A Hòa chia sẻ: “Nghề hái đót vất vả, một buổi nếu tích cực hái thì được khoảng 200.000 đồng. Số tiền này đủ mua gạo, mua thức ăn, chăm lo việc học cho con. Do mùa đót chỉ kéo dài hơn 1 tháng nên cứ đến mùa, chúng tôi lại vào rừng hái đót”.
Niềm vui của những người thu hái đót là không lo ế hàng |
Nghề hái đót lắm gian truân, nhọc nhằn, nhiều trường hợp phải đối mặt với nguy hiểm bởi đót thường mọc từng bụi ở nơi có độ dốc cao. Vất vả là thế nhưng niềm vui của những người gắn bó với nghề này là không lo ế hàng, bông đót hái về đến đâu được các thương lái thu mua đến đó.
Chị Nguyễn Thị Nhãn, thôn 3, một tư thương chuyên thu mua bông đót cho biết, hiện bông đót tươi có giá 5.000- 7.000 đồng/kg, còn đót khô dao động 20.000- 21.000 đồng/kg. Giá cả phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhưng nhìn chung, giá đót năm 2023 cao hơn năm trước.
Theo chị Nhãn, thường thì người dân sẽ bán đót tươi nhưng cũng có nhiều hộ tự phơi đót rồi mới đem bán để được giá cao hơn. Hơn nữa, bông đót đã phơi khô nếu không bán hết vẫn có thể để dành, bán dần.
Hiện bông đót tươi có giá 5.000- 7.000 đồng/kg, còn đót khô dao động 20.000- 21.000 đồng/kg |
Trung bình mỗi ngày đi rừng, người dân có thể hái được 30- 40 kg đót tươi, cho thu nhập gần nửa triệu đồng. Chính vì vậy, cứ vào mùa bông đót, học sinh được nghỉ Tết cũng rủ nhau theo cha mẹ đi hái “lộc rừng” về bán.
Chị Nguyễn Thị Nhãn cho biết thêm, đót thường trổ bông trước Tết Nguyên đán và kéo dài khoảng từ 30 đến 35 ngày. Nghề hái đót và kinh doanh đót đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk R’măng.
Trước đây, mỗi vụ đót có thể kéo dài đến 2 tháng, có những thương lái mua được khoảng 30 tấn đót tươi (tương đương 10 tấn đót khô). Tuy nhiên, những năm gần đây, do khai thác nhiều, lượng đót tự nhiên thu hái được giảm mạnh. Chính vì thế, một số hộ dân đã chuyển sang trồng đót trong vườn rẫy của gia đình để có thêm thu nhập.
Một số hộ dân đã chuyển sang trồng đót trong vườn rẫy của gia đình để có thêm thu nhập |
Anh Nguyễn Hữu Mạnh, một tư thương thu mua đót trên địa bàn thông tin thêm, đối với nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Glong, nhất là bà con đồng bào Mông, cây đót cũng được xem là cây “giảm nghèo” theo mùa vụ. Tuy nhiên, cây đót là cây mọc tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả. Việc thu hoạch nguồn lợi này còn mang tính tự phát, chưa có định hướng để người dân khai thác hiệu quả nhằm tạo ra giá trị cao.
“Cây đót là thứ cây dại, mọc ven các khe suối, triền núi, nhất là những nơi có đất sét bạc màu. Hiện nay, đã có một số hộ dân đưa đót về trồng trên rẫy của nhà. Việc trồng này chủ yếu vẫn là để giữ đất, hạn chế việc sạt lở, sau là tăng thêm thu nhập từ thu hoạch bông đót”, anh Mạnh cho hay.