Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với Triệu Tiến P (SN 1997), ở Đắk Lắk và Phùng Danh M (SN 1999) ở An Giang vì tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, P, M rủ nhau đi săn và mượn một khẩu súng PCP với 20 viên đạn chì đem đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc huyện Tuy Đức để săn thú rừng. Quá trình đi săn, cả hai phát hiện một cá thể Voọc có lông màu xám, đuôi màu trắng. P đã dùng súng bắn khiến Voọc bị thương và rơi xuống đất. Cả hai nhanh chóng bỏ con Voọc vào ba lô rồi đem về nhà của P để làm thịt.
Tại nhà P, M trực tiếp treo cổ, dùng dao lột da và làm thịt Voọc. Lúc này, Triệu Tiến H (em trai P) và bạn của H đi đến thấy con Voọc đang bị treo nên lấy điện thoại ra chụp hình rồi đăng lên mạng xã hội facebook. M tiếp tục các công đoạn làm thịt con Voọc và bỏ vào thau cất ở bếp để cho em gái của P chế biến món ăn cho mình và mọi người cùng nhậu.
Sau đó, P và M đang ở nhà của P thì bị cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phát hiện, bắt quả tang vì hành vi tàng trữ trái phép các bộ phận của động vật hoang dã quý hiếm. Cụ thể, lực lượng chức năng đã thu giữ được các bộ phận gồm: hai chi trước, hai chi sau dính liền có da có lông màu xám, một bộ da của phần đuôi có lông màu trắng của cá thể Voọc chà vá chân đen tại khu vực nhà bếp của gia đình P.
Qua điều tra, cả hai đã khai nhận hành vi săn bắn con Voọc của mình. Loài Voọc chà vá chân đen có tên khoa học Pygathrix nigripes, đây là loài có tên trong phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Qua xem xét, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo P và M mỗi bị cáo 5 năm tù vì tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Mọi hành vi buôn bán, nuôi nhốt trái pháp luật động vật hoang dã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa |
Theo cơ quan chức năng, tình trạng săn bắt, giết, nuôi, tàng trừ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Theo quy định, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đồng đến 360 triệu đồng (theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp) hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234, tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, Bộ luật Hình sự.
Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cần chung sức tái tạo, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên. Người dân phối hợp, báo ngay cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời với mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã dưới mọi hình thức.