Những đặc điểm của báo chí Đắk Nông
Nếu nhìn nhận ở khía cạnh quy mô, số lượng cơ quan báo chí và phạm vi nội dung, phương thức hoạt động, không gian truyền tải thông tin, chúng ta có thể nhận thấy báo chí Đắk Nông có những đặc điểm quan trọng. Một trong những đặc điểm đó là phạm vi phục vụ, lan tỏa chủ yếu của báo chí Đắk Nông trong địa bàn tỉnh, nhưng ngày càng coi trọng, mở rộng và quan tâm sự tích hợp đa phương tiện.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái ảnh) trả lời các cơ quan báo chí về phát triển hồ tiêu hữu cơ tại xã Nam Bình (Đắk Song). Ảnh: Phan Tuấn |
Báo chí Đắk Nông là báo chí địa phương, nên phạm vi phản ánh, nội dung, đề tài coi trọng tính địa phương, gần gũi với cơ sở, sát với cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn; tin, bài, chương trình có tính lý luận, vĩ mô hạn chế. Ngôn ngữ, phong cách thể hiện mang tính địa phương, ảnh hưởng bởi sự giao thao giữa các dòng văn hóa của người Kinh (khu vực miền Trung và đồng bằng Bắc bộ), đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư đến. Phạm vi phát hành, phủ sóng của báo chí Đắk Nông cơ bản là trong địa bàn tỉnh.
Đài PT-TH Đắk Nông có truyền dẫn tín hiệu lên vệ tinh, nhưng lượng người xem thường xuyên vẫn chủ yếu là trong tỉnh. Hiện nay chưa có thống kê lượng người ở ngoài tỉnh người xem Đài PT-TH Đắk Nông. Nếu có thống kê đó, thì số lượng người ở ngoài tỉnh người xem Đài PT-TH Đắk Nông dù có tăng so với trước đây nhưng cũng không nhiều. Báo Đắk Nông, tạp chí Nâm Nung có phát hành ra ngoài tỉnh, nhưng số lượng rất ít, chủ yếu dưới dạng báo biếu.
Mặt khác, Đắk Nông là vùng có hoạt động báo chí ít sôi động (ít cơ quan báo chí, ít phóng viên thường trú, văn phòng đại diện), nên tính cạnh tranh trong hoạt động báo chí hạn chế. Bộ máy tổ chức, kinh phí, cơ sở vật chất - kỹ thuật và phương thức hoạt động của các cơ quan báo chí ở Đắk Nông ở mức độ địa phương, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu chưa cao.
Trong tiến trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của mọi mặt đời sống xã hội, báo chí Đắk Nông cũng chịu ảnh hưởng, đòi hỏi phải vận động, phát triển. Xu thế đó làm cho sự “biệt lập” của báo chí địa phương không thể duy trì như trước. Sự phát triển của công nghệ, nền tảng internet và cạnh tranh của các loại hình truyền thông hiện đại vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa tạo sức ép và sự cạnh tranh thông tin với báo chí địa phương. Do vậy, báo chí Đắk Nông ngày càng coi trọng đến việc mở rộng phạm vi phát hành, phủ sóng và tích hợp đa phương tiện.
Đài PT-TH Đắk Nông đã đưa tín hiệu lên vệ tinh, truyền tải các nội dung qua trang thông tin điện tử và phối hợp hòa sóng một số chương trình lớn với nhiều đài PT-TH cấp tỉnh trong nước. Qua đó, đã mở rộng vùng “phủ sóng” ra khỏi vùng phủ sóng kỹ thuật của hệ thống máy phát sóng analog vốn dĩ chỉ phục vụ trong địa bàn tỉnh.
Tương tự, báo Đắk Nông đã tăng cường hoạt động, đưa thông tin qua Báo Đắk Nông điện tử, quan tâm yếu tố đồ họa, tích hợp đưa các video clip và sản xuất các chương trình truyền hình internet, góp phần để đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh tiếp cận thuận lợi hơn với thông tin báo chí địa phương. Đài PT-TH Đắk Nông và Báo Đắk Nông còn lập fanpages để tăng cường sự quan tâm và tính tương tác của công chúng với báo chí địa phương, đồng thời quan tâm ứng dụng tòa soạn điện tử, chú ý nhiều hơn tính hội tụ, tích hợp đa phương tiện, đa nền tảng.
Tạp chí Nâm Nung cũng có nhiều cố gắng để lập trang thông tin điện tử nhằm đưa nội dung lên mạng internet, tạo thêm kênh phát hành, quảng bá sản phẩm của mình. Sự “tiệm cận” nói trên giúp báo chí Đắk Nông từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng kỹ thuật, nội dung và hình thức thể hiện, phù hợp hơn với phong cách báo chí hiện đại. Đặc điểm và quá trình này giúp báo chí Đắk Nông ngày càng hòa chung vào dòng chảy sự kiện và sự vận động chung của báo chí trong nước, nhưng không làm mất đi tính đặc trưng về đề tài, ngôn ngữ, phong cách thể hiện của báo chí địa phương.
Một số vấn đề cần quan tâm
Các loại hình báo chí đều có thế mạnh đặc trưng riêng biệt. Dù có những đòi hỏi mới và phải cạnh tranh với những hình thức truyền thông hiện đại nhưng hiện nay, truyền hình vẫn chiếm ưu thế lớn nhất trong các loại hình báo chí ở địa phương. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư (về con người, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật….) đối với truyền hình địa phương hiện nay cần nhìn nhận trong bối cảnh sự phát triển của báo chí đa nền tảng. Ví dụ, việc đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất, truyền dẫn, phát sóng các chương trình truyền hình địa phương hiện nay phải nhìn nhận trong sự tích hợp, đa đạng. Đài PT-TH địa phương không còn nhất thiết phải lo “trọn gói” từ sản xuất, truyền dẫn và phát sóng truyền hình như trước đây mà nên tập trung đầu tư mạnh cho nội dung chương trình.
Vấn đề truyền dẫn, phát sóng cần tính toán phù hợp hơn trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, không chỉ nhất thiết coi trọng đưa tín hiệu truyền hình địa phương lên sóng vệ tinh, mà nên coi trọng đầy đủ, đa dạng phương thức truyền tải khác phù hợp, hiệu quả hơn. Đây là vấn đề liên quan rất trực tiếp đến tiến trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình địa phương mà thời hạn để Đắk Nông phải chấm dứt phát sóng analog đang cận kề (dự kiến vào cuối năm 2020).
Sự quan tâm nhiều đến truyền hình có thể làm “mờ nhạt” sự quan tâm đến các loại hình báo chí khác như phát thanh, báo in và báo điện tử. Với loại hình báo điện tử, cách đây hơn 10 năm, Tỉnh ủy đã có chủ trương xây dựng Báo Đắk Nông điện tử thuộc cơ quan Báo Đắk Nông. Gần đây, khi tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Tỉnh ủy xác định: “Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, quản lý, phát triển hệ thống báo chí - truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông trên nền tảng Internet”. Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản Đắk Nông giai đoạn 2017-2025 cũng đề cập rất cụ thể về loại hình báo điện tử của tỉnh.
Nếu so sánh về suất đầu tư thì suất cho báo điện tử địa phương chỉ bằng một phần rất khiêm tốn so với đầu tư cho truyền hình. Báo điện tử của các địa phương ngày càng thể hiện rõ hơn lợi thế về phạm vi lan tỏa và hiệu quả truyền thông trong bối cảnh báo chí đa nền tảng. Cùng với các tỉnh, thành phố khác, Đắk Nông nhận định được điều này khá sớm. Tuy nhiên từ nhận thức, chủ trương đến thực hiện còn nhiều khó khăn, trở ngại. Sau hơn 10 năm, vượt qua nhiều trở ngại và các thủ tục khác nhau, đến đầu năm 2019, Báo Đắk Nông điện tử mới có giấy phép hoạt động. Tuy vậy, về kinh phí và các nguồn lực khác cho loại hình báo chí này vẫn còn những nhìn nhận, quan tâm chưa thật thấu đáo, đầy đủ.
Với loại hình báo chí đã “cũ” như báo in và phát thanh cũng có những vấn đề cần quan tâm trong tình hình mới. Với phát thanh (báo nói), giai đoạn mới thành lập tỉnh, các chương trình phát thanh trực tiếp, nối cầu phát thanh trực tiếp giữa Đài PT-TH tỉnh với Đài Tiếng nói Việt Nam được quan tâm thực hiện, thu hút được sự quan tâm tích cực của bạn nghe đài trong và ngoài tỉnh. Nhưng hơn 10 năm gần đây, các chương trình cầu phát thanh hầu như không có. Các chương trình phát thanh trực tiếp không nhiều, ít chương trình định kỳ và chủ yếu là tường thuật các sự kiện không phải do cơ quan báo chí trực tiếp tổ chức. Nội dung, hình thức của loại hình báo nói ở địa phương không được quan tâm đầy đủ, đúng mức; nhận thức và sự đầu tư đối với loại hình này không thật sự rõ nét.
Với báo in, hiện nay lượng phát hành của báo Đắk Nông là 6.500 tờ/kỳ. Nghĩa là, trong một kỳ phát hành báo, trung bình khoảng 100 người trên địa bàn mới có một tờ báo của tỉnh. Tạp chí Nâm Nung hiện nay có lượng phát hành phát hành 1.150 quyển/kỳ/tháng và khó có thể tăng thêm do áp lực về kinh phí và nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng trên địa bàn. Sự “thưa thớt” của báo in ít được xem xét thấu đáo khi đánh giá về hiệu quả hoạt động của báo in.
Thực trạng lượng phát hành báo in/dân số cần được xem xét, nhìn nhận phù hợp hơn trong mối tương tác với các loại hình báo chí khác thì mới có sự quan tâm đầu tư thích hợp. Có nên đầu tư để tăng lượng phát hành báo in của tỉnh trong giai đoạn hiện nay? Lượng tăng thế nào là phù hợp hay tập trung nguồn lực đó để nâng cao chất lượng nội dung? Đó là câu hỏi đồng thời là cơ sở quan trọng để đánh giá đúng vai trò, tác dụng của báo in trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, mỗi loại hình báo chí đều có đặc điểm, thế mạnh riêng mà các loại hình khác không thể cạnh tranh. Họ cũng nêu lên những kịch bản đối với đời sống của các loại hình báo chí, trong đó có nhận định các loại hình báo chí “cũ” như báo in, phát thanh sẽ “chết” khi xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ngay ở các nước phát triển, các loại hình báo chí ấy vẫn “sống”. Các loại hình báo chí “cũ” vẫn “sống” nhưng sẽ là ảo tưởng khi cho rằng sẽ “sống tốt” như trước đây.
Những phân tích trên phần nào cho thấy: Các loại hình báo chí đều phải được quan tâm để phát huy tốt vai trò, tác dụng trong tình hình mới. Sự quan tâm đó là cơ sở hết sức quan trọng để có sự đầu tư các nguồn lực cho các loại hình báo chí địa phương một cách phù hợp, khôn ngoan. Sự quan tâm đầu tư đó cần được nhìn nhận tổng thể các yếu tố (con người, cơ chế, kinh phí, trang thiết bị …) và mang tính chất lâu dài. Trong tình hình còn khó khăn, chưa thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo như Đắk Nông thì sự quan tâm đầu tư đó càng phải tính toán để có trọng tâm, tránh dàn trải, manh mún.