Đến nơi “nhiều không”
Khác với lần vào "tâm dịch" bạch hầu ở xã Quảng Hòa, lần này, nhóm phóng viên chúng tôi gồm 2 người được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong thông báo trước ngày giờ xuất phát vào cụm 12, xã Đắk R'măng để tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho bà con. Do có kinh nghiệm vào "tâm dịch" lần trước nên tâm lý chúng tôi khá bình tĩnh.
Phóng viên Lê Đại, Đài PT-TH Đắk Nông tác nghiệp tại "tâm dịch" bạch hầu ở Cụm 12, xã Đắk R'Măng |
Tuy nhiên, để đến được cụm 12, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy vì đường sá hết sức khó khăn. Theo xe chở quà tặng cho bà con trong cụm 12, cả đoàn hẹn nhau tại thôn 1, xã Đắk Som để cùng tiến sâu vào vùng lõi của rừng phòng hộ Đắk R'măng là nơi ở của 71 hộ người Mông đang làm ăn, sinh sống. Cụm 12 nằm cách xa trung tâm xã Đắk R’măng khoảng 70 km và cách thôn 1, xã Đắk Som nơi đoàn tập kết khoảng 25 km.
Sau gần 3 giờ đồng hồ băng rừng, lội suối, vượt qua bao con dốc dựng đứng, đường sình lầy trơn trượt, chúng tôi cũng vào được đến nơi và mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả, sự hiểm nguy mà đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế huyện Đắk Glong phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cụm 12 nằm tách biệt hẳn với bên ngoài và nằm ngay giữa lõi rừng phòng hộ Đắk R'măng. Đúng với nghĩa tách biệt vì đây là cụm dân cư tự phát do bà con người Mông di cư tự do khai hoang, lập xóm nên chưa được công nhận và đồng nghĩa với việc chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng.
Sở dĩ gọi là “nhiều không” vì nằm sâu trong rừng nên nơi đây “không điện, không đường, không trường, không trạm”. Khi mặt trời tắt nắng, toàn cụm dân cư chìm vào màn đêm, thi thoảng có vài đốm lửa lập lòe của vài nhà đang nấu cơm tối hay ánh sáng mờ mờ của những nhà có đèn năng lượng mặt trời.
Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam tác nghiệp ngay trong đêm tại Khu cách ly tập trung của tỉnh |
Cùng với đó, tỷ lệ trẻ đến trường khá thấp vì trong cụm không có trường nên gia đình nào có điều kiện hơn một chút thì thuê nhà trọ cho con học ở xã Đắk Som. Những gia đình khó khăn thì con cái ở nhà làm rẫy, phụ cha mẹ mò ốc bắt cua bên suối, dưới ruộng. Do nơi ở nằm sâu trong rừng nên môi trường vô cùng ẩm thấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập gây dịch bệnh.
Vào khu cách ly tập trung
Khác với bạch hầu, cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 cam go, thử thách hơn nhiều. Nhận được thông báo của trưởng đoàn đi đón công dân từ Đà Nẵng về, nhóm phóng viên chúng tôi nhanh chóng lên đường, có mặt tại Khu cách ly tập trung tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) lúc 3 giờ sáng. Sau khi chúng tôi hoàn tất thủ tục và mặc trang phục bảo hộ xong thì đoàn xe đi đón công dân cũng vừa về đến cổng.
140 công dân từ Đà Nẵng về thực hiện cách ly với những hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là cố gắng bảo đảm an toàn phòng dịch một cách cao nhất.
Nhóm phóng viên báo chí tác nghiệp tại Khu cách ly tập trung của tỉnh |
Điều mà cánh phóng viên chúng tôi được chứng kiến là những hình ảnh lay động lòng người, chứa chan tình đồng bào và sự quyết tâm của những lực lượng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch. Trong khu cách ly không chỉ có tình quân dân ấm áp mà còn rất nhiều tình cảm đẹp đẽ, nhất là câu chuyện cảm động của 2 cháu nhỏ tuổi do hoàn cảnh, không hề có người thân chăm sóc, mà đều gửi gắm hết vào mọi người nơi đây…
Đó là hình ảnh những chiến sĩ đảm nhiệm công tác hậu cần, lo cơm ngon canh ngọt cho các trường hợp cách ly bằng việc chào ngày mới từ lúc 3 giờ sáng khi mọi người còn đang ngon giấc đến tận 22 giờ đêm. Các chiến sĩ đã gạt qua tất cả sự lo lắng, nỗi nhớ nhà, xa con để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp một phần công sức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Có lẽ, chỉ cần vào Khu cách ly tập trung một ngày, thậm chí một buổi thôi cũng đủ để cảm nhận sự hy sinh, vất vả của bộ đội, y, bác sĩ nơi đây - những người không những thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch mà còn thể hiện tinh thần chia sẻ, bao bọc, chở che đồng bào trong giai đoạn khó khăn nhất.
Cùng các y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu bước vào cuộc chiến "chống dịch như chống giặc", được tận mắt chứng kiến những chiến sĩ, đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm tận tình chăm sóc người cách ly, chúng tôi vô cùng khâm phục.
Chúng tôi thầm dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn nữa, bằng lương tâm và trách nhiệm, vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi của bản thân để có thể truyền đi nhiều thông điệp tích cực, nhiều câu chuyện cảm động ấm áp lòng người đến công chúng và bạn đọc.