Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Liên minh châu Phi, Chủ tịch Liên bang Comoros Azali Assoumani phát biểu trước báo giới sau kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai. (Ảnh: RIA/Novosti) |
Mối quan hệ đối tác giữa Nga với châu Phi được Tổng thống V.Putin đánh giá có nguồn gốc sâu xa, bền chặt và luôn nổi bật với sự ổn định, tin cậy và thiện chí. Hai bên cùng mong muốn hình thành một hệ thống quan hệ chủ yếu dựa trên luật pháp quốc tế, có tính đến lợi ích quốc gia, tính không thể chia cắt của an ninh và công nhận vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và các quốc gia thuộc Lục địa Ðen đã đạt 18 tỷ USD trong năm 2022.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, Nga luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân châu Phi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây. Tại cuộc gặp với lãnh đạo các tổ chức ở khu vực tại St.Petersburg lần này, Tổng thống Putin khẳng định châu Phi là một trong các đối tác chính của Nga; có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa Nga và AU trong việc tạo ra một cơ chế tham vấn thường xuyên về các vấn đề chính như chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thông tin và an ninh môi trường.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và các quốc gia thuộc Lục địa Ðen đã đạt 18 tỷ USD trong năm 2022. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại, phát huy tiềm năng của quan hệ đối tác kinh tế giữa hai bên. Hai bên cũng đã đạt tiến bộ trong hợp tác nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp, với hơn 30 dự án năng lượng chung đang được triển khai tại 16 quốc gia châu Phi.
Là khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu nhưng lại ít nguồn lực để thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, châu Phi cần sự hỗ trợ về tài chính cũng như công nghệ từ Nga. Tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng sạch trong khi tiếp tục phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia châu Phi hiện nay trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và đây là lĩnh vực có thể nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nga.
Một trong những vấn đề quan trọng được hai bên ưu tiên thảo luận là việc Nga cung cấp lương thực cho các nước châu Phi. Năm ngoái, Nga đã xuất khẩu 11,5 triệu tấn ngũ cốc sang châu Phi và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt gần 10 triệu tấn, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.
Phía Nga cho biết, sẽ tiếp tục cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các quốc gia châu Phi trong thời gian tới. Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, trong những tháng tới, Nga sẵn sàng cung cấp cho các nước châu Phi 25.000-50.000 tấn ngũ cốc.
Năm ngoái, Nga đã xuất khẩu 11,5 triệu tấn ngũ cốc sang châu Phi và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt gần 10 triệu tấn, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.
Theo Tổng thống Putin, trong vòng từ 3-4 tháng tới, Nga sẵn sàng cung cấp miễn phí khối lượng ngũ cốc trên cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea.
Nguồn viện trợ lương thực trực tiếp từ Nga sẽ giúp các nước châu Phi giảm nhẹ nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung trên thế giới gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực của châu Phi, châu lục có nhiều người đang đứng bên bờ vực nạn đói và thiếu ăn nghiêm trọng. Việc thiết lập các hành lang logistics, các trung tâm trung chuyển không chỉ cho lương thực và phân bón, mà cho mọi loại hàng hóa khác được sản xuất tại Liên bang Nga, là một trong những chủ đề được thảo luận tại hội nghị.
Nga cho rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Ðen mà Nga vừa ngừng tham gia, trên thực tế đã không giúp giảm nạn đói ở châu Phi như cam kết ban đầu, bởi chỉ một phần nhỏ ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine theo thỏa thuận được vận chuyển đến các nước nghèo ở châu Phi.
Trong khi đó, vốn luôn là "điểm đến" hợp tác và đầu tư của các cường quốc trên thế giới, châu Phi cũng là thị trường rất tiềm năng đối với Nga. Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt trừng phạt Nga, các nước châu Phi mở ra cánh cửa hợp tác và những cơ hội mới cho Nga. Tổng thống Putin nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác tài chính, đồng thời khẳng định việc chuyển đổi sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong thương mại song phương giữa Nga với các quốc gia châu Phi là điều cần thiết, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới, bất chấp những hạn chế trong các hệ thống của phương Tây.