Y tế - Sức khỏe

Mối lo sốt xuất huyết

Ngô Đồng 19/07/2024 09:30

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết thể Dengue (SXHD) ngày càng tăng, diễn biến khó lường, cơ quan chức năng, người dân hãy cảnh giác, không nên coi thường với loại dịch bệnh này.

Bài học đắt giá

Anh Lê Đình Chung, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa là một trong nhiều bệnh nhân mắc SXHD từng điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, chia sẻ: "Do chủ quan, nghĩ sức trẻ, chỉ bị cảm sốt thông thường nên tôi không đến bệnh viện để khám mà tự mua thuốc về nhà điều trị. Mãi tới khi thấy người lả đi vì mệt, tôi mới chịu nghe gia đình vào viện xét nghiệm thì mới biết mình bị SXHD. Nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa, tôi đã khỏi bệnh và xuất viện nhưng giờ tôi luôn xem đây là bài học đắt giá về sự chủ quan của mình”.

_dsc7136.jpg
Một bệnh nhân đang được điều trị SXHD tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp

Tương tự, vợ, chồng chị H’Ruổi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa đều mắc SXHD nhưng do chủ quan đến khi bệnh nặng vào điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm mới biết. Chị H’Ruổi cho hay: “Cứ nghĩ chồng bị cảm sốt thông thường nên ban đầu tôi mua thuốc uống, điều trị tại nhà. Đến khi bị lây, tôi thấy rất mệt nên mới quyết định đi bệnh viện khám. Tại đây, các bác sĩ lấy máu xét nghiệm thì mới phát hiện ra 2 vợ chồng tôi đều mắc SXHD”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thương, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp có 2 thành viên bị SXHD đã điều trị khỏi cho hay: “Bác sĩ, nhân viên y tế xã thường khuyến cáo dọn dẹp vệ sinh, không được để nước tù đọng sinh loăng quăng, nhưng bận nhiều việc, lại chủ quan nên tôi quên. Đến khi cả gia đình mắc SXHD, phải vào viện điều trị dài ngày mới thấy sự nhắc nhở đó thật sự đúng đắn, gia đình sẽ chú ý vệ sinh nơi sinh hoạt hàng ngày thường xuyên hơn”.

Đây chỉ là những ví dụ điển hình về tình trạng người dân còn quá lơ là, chủ quan đối với SXH, chỉ khi nào “dính” bệnh, giảm sút sức khỏe, chi phí, thậm chí nguy cơ tử vong thì mới thực sự thức tỉnh.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, SXH do vi rút Dengue gây ra là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh chóng do vật chủ trung gian là muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa, có thể thành dịch lớn với số lượng người mắc cao, đặc biệt là các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường không tốt.

Bất cứ ai cũng có thể mắc SXHD, nguy cơ tử vong và biến chứng nặng cao nếu không được phát hiện và điều trị tốt. Diễn biến bệnh rất nhanh, biến chứng xuất hiện đột ngột có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp y tế. Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị SXHD, bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng, nâng cao miễn dịch và sức khỏe chống lại bệnh.

Sau khi bị đốt bởi muỗi vằn mang mầm bệnh, người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng ngay mà cần sau thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày. Triệu chứng SXHD ban đầu tương tự như cúm, thường kéo dài trong 7 ngày, nếu bệnh nhẹ có thể tự khỏi nhưng trường hợp nặng có thể kéo dài lâu hơn. Sốt cao đến 40 độ C là triệu chứng điển hình và đặc biệt nguy hiểm của SXHD. Ngoài ra, người bệnh gặp một số triệu chứng khác như phát ban trên da; đau hốc mắt; nhức đầu; buồn nôn, nôn mửa; sưng hạch bạch huyết; đau mỏi các cơ, xương, khớp.

Biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất thường xảy ra trong khoảng ngày thứ 3-7 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Nguy hiểm hơn là khi thân nhiệt người bệnh giảm, nhiều người nghĩ rằng đang dần hồi phục song lúc này mới có thể gặp biến chứng nặng.

Không chỉ tác động tới sức khỏe, bệnh SXHD còn tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Người mắc bệnh SXHD phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị. Người thân cũng thường phải nghỉ làm để chăm sóc. Chi phí điều trị không nhỏ cũng là “bài toán lớn” cho nhiều gia đình.

Để giảm thiểu những nguy hiểm do SXHD, người bệnh cần phát hiện sớm căn bệnh bằng cách thăm khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Người bệnh cần điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ và chú ý chăm sóc sức khỏe theo các khuyến cáo của y tế ngay từ giai đoạn nhẹ để bệnh không có cơ hội trở nặng và gây biến chứng. Bên cạnh việc điều trị, người bệnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm cho người thân và khu vực xung quanh nơi ở, nơi làm việc.

Còn chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết

Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, lâu nay, khi nói đến nguyên nhân làm cho dịch SXHD bùng phát, cơ quan chuyên môn thường nhận định trước hết là do thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản và phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất đó là mặc dù chính quyền, cơ quan chuyên môn đã có nhiều khuyến cáo nhưng thực tế vẫn còn nhiều người dân chủ quan, chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXHD. Qua các đợt thu dung, điều trị và kiểm tra thực tế tại các ổ dịch SXHD trên địa bàn tỉnh thì tâm lý chủ quan, lơ là, thậm chí coi nhẹ SXH của người dân còn rất phổ biến.

_dsc5843.jpg
Những vật dụng chứa nước không dùng đến vô tình làm nơi sinh sản ẩn náu cho loăng quăng, bọ gậy phát triển

Trong khi một bộ phận không nhỏ người dân còn lơ là, chủ quan trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại gia đình và cộng đồng, một số chính quyền địa phương vẫn còn quan điểm xem phòng chống dịch SXH là nhiệm vụ của y tế nên chưa huy động được nhiều sự hỗ trợ tham gia của các ban ngành ở địa phương tích cực vào cuộc.

sxh.jpg

Bên cạnh đó, mặc dù đã có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhưng hiện tại chưa có địa phương nào thực thi việc xử phạt nên chưa tạo được tính răn đe đối với người dân. Mặt khác, các chương trình mục tiêu y tế - dân số trước đây hiện được chuyển về địa phương nên nhiều hoạt động chưa có định mức chi, vì vậy rất khó để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Mối lo sốt xuất huyết
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO