PV: Thời gian qua, các cấp hội thanh niên tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động, phát huy được vai trò, xung kích tình nguyện của tuổi trẻ. Vậy theo anh, phong trào nào đã thể hiện rõ nhất tinh thần này?
Anh Châu Ngọc Lương |
Anh Châu Ngọc Lương: Thời gian qua, Hội LHTN tỉnh đã cụ thể hóa các chương trình, cuộc vận động, phong trào do Trung ương Hội LHTN Việt Nam triển khai thành các hoạt động cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu của địa phương và thanh niên. Trong những phong trào chung đó phải kể đến là các chương trình Tình nguyện mùa Đông, Xuân tình nguyện, Thắp sáng đường quê và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè.
Thứ nhất là Chương trình Tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện diễn ra đồng loạt tại tất cả các huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như tặng quà, khám bệnh phát thuốc miễn phí, hiến máu tình nguyện, quyên góp quần áo ấm, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho thanh, thiếu nhi và đồng bào vùng sâu vùng xa với trị giá hàng tỷ đồng.
Thứ hai là Chương trình Thắp sáng đường quê triển khai tại xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp). Đây là chương trình mới được thực hiện, song với sự chung sức, nỗ lực của các cấp hội và thanh niên hiện đã thắp sáng được 10 km đường quê, với 340 bóng đèn, trị giá 270 triệu đồng. Công trình được đưa vào sử dụng đã đem đến niềm vui cho bà con, thanh thiếu niên trên địa bàn.
Thứ ba là Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè diễn ra từ ngày 15/7- 15/8 hàng năm, thu hút hơn 1000 sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, cùng với lực lượng đoàn viên, thanh niên tại chỗ với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những phong trào thực sự hiệu quả, vẫn còn những phong trào hoạt động hình thức, bề nổi và thiếu chiều sâu. Anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Anh Châu Ngọc Lương: Phong trào thanh niên nói chung, phong trào thanh niên tình nguyện nói riêng là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội. Đó cũng là môi trường rèn luyện, giáo dục đoàn viên, thanh niên về kỹ năng xã hội, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, rèn luyện bản lĩnh chính trị.
Tuy nhiên, thực tế thì tại một số nơi, phong trào của thanh niên vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác triển khai, tổ chức hoạt động và kết quả phong trào ở các khối, đối tượng chưa đồng đều. Việc xây dựng mục tiêu, biện pháp thực hiện, đối tượng hướng tới của hoạt động tình nguyện chưa sát thực tế, dẫn đến hiệu quả của một số hoạt động chưa cao, còn hình thức, thiếu chiều sâu, chưa có tính lan tỏa.
Vì vậy, các cấp hội cần bám sát các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện; chú trọng đến công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hội, nhất là nâng cao năng lực lập kế hoạch và thiết kế các chương trình, hoạt động lớn; huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác tham mưu và thực hiện các nội dung của phong trào.
PV: Xã hội hóa phong trào, hoạt động của thanh niên là xu hướng đang được nhiều tổ chức Đoàn, Hội các tỉnh, thành khác chú trọng, còn ở tỉnh Đắk Nông thì theo anh như thế nào?
Anh Châu Ngọc Lương: Trên thực tế, các hoạt động của Hội được phân bổ, phụ thuộc vào nguồn kinh phí chung của Đoàn. Vì vậy, hầu hết các hoạt động của Hội đều phải huy động nguồn lực từ bên ngoài để cùng phối hợp thực hiện như an toàn giao thông, hoạt động liên quan tới thanh niên tín đồ tôn giáo, thanh niên dân tộc thiểu số và các chương trình tình nguyện khác.
Tuy nhiên với đặc thù tỉnh còn nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn ít, nguồn lực không nhiều nên nguồn xã hội hóa dành cho các hoạt động chưa nhiều và chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của phong trào thanh niên.
Thời gian tới, Hội đã xác định, xã hội hóa hoạt động thanh niên là một nhu cầu tất yếu. Trước mắt, Hội xây dựng các kế hoạch, giải pháp để xã hội hóa hoạt động bằng chính nguồn lực của thanh niên, giao cho thanh niên làm chủ thể để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và tạo ra sức lan tỏa trong thanh niên.
PV: Theo anh, thanh niên cần phải làm gì để phát huy tính chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương?
Anh Châu Ngọc Lương: Thanh niên cần phải chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, bởi đây là lực lượng đông đảo, trẻ, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng. Và để trở thành những người làm chủ thì trước hết, mỗi thanh niên phải phát huy tinh thần lao động sáng tạo và vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động.
Thứ hai, thanh niên cần tích cực hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” với mục tiêu ở đâu có tổ chức Hội, ở đó có hoạt động sáng tạo.
Thứ ba, thanh niên cần tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, các chương trình, dự án do Đoàn, Hội đảm nhận như xây dựng làng thanh niên lập nghiệp, dự án nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, xây dựng hạ tầng, hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp.
Bản thân mỗi thanh niên phải tự rèn luyện, trau dồi bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức để có thể phát huy được hết tính chủ động, tích cực, vận dụng được hết những nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức hỗ trợ để tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện |
PV: Thời gian tới, Hội LHTN tỉnh đã có những giải pháp nào để phong trào, hoạt động thanh niên thực sự là môi trường của tuổi trẻ phát huy tính xung kích, tình nguyện, cống hiến và trưởng thành?
Anh Châu Ngọc Lương: Mọi hoạt động của Hội đều vì thanh niên, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho thanh niên nhằm góp phần xây dựng lớp thanh niên có tri thức, sức khỏe, giàu tính xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, vì xã hội.
Để đạt được mục tiêu trên, thứ nhất là các cấp hội cần tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung nguồn cán bộ làm công tác hội ở các cấp.
Thứ hai là nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội và làm tốt công tác truyền thông, giáo dục cho hội viên, thanh niên về tầm quan trọng của mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Thứ ba, thu hút đông đảo thanh niên tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, các cuộc vận động và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội trên nguyên tắc xuất phát từ các nhu cầu cơ bản của thanh niên.
Thư tư, phát triển các tổ chức thành viên tập thể của Hội như Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ...
Thứ năm, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp cho thanh niên bằng việc tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và bảo vệ thanh niên.
Thứ sáu, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp trong đoàn kết và tập hợp thanh niên...
PV: Xin cảm ơn anh!