"Mỏ vàng sầu riêng", loại trái cây vua của Việt Nam: Đi bằng hai chân, ngành sầu riêng vững hơn (Bài 5)

07/09/2024 05:22

Việc Việt Nam chính thức được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc đã giúp ngành hàng tỷ USD "đi bằng hai chân", hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường, ngành hàng sầu riêng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ “hóa giải”.

Xuất khẩu trái tươi, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, bước đi vững chắc hơn

Trao đổi với Dân Việt về Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định: "Đây là Nghị định thư quan trọng, mở ra tương lai phát triển bền vững cho ngành sầu riêng Việt Nam".

Lâu nay, ngành hàng sầu riêng vẫn "đi một chân" do chỉ xuất khẩu quả tươi, tuy nhiên với việc ký kết xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc thì chúng ta đã "đi bằng cả hai chân", đồng thời là đòn bẩy giúp ngành hàng tỷ USD này phát triển ổn định và có những bước đi vững vàng hơn trong tương lai.

"Nếu như hiện tại chúng ta chỉ thu về ngoại tệ từ xuất khẩu sầu riêng tươi, thì thời gian tới sẽ thu thêm tiền từ khâu chế biến sầu riêng đông lạnh.

Điều này giúp gia tăng giá trị cho cả doanh nghiệp và người trồng sầu riêng", ông Nguyên nói và nhận định thêm rằng, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ góp phần ổn định giá.

Khai thác "mỏ vàng" từ sầu riêng - trái cây vua của Việt Nam: Ngành sầu riêng đang đi bằng hai chân! - Ảnh 1.

Nông dân Lâm Đồng thu hoạch sầu riêng. Hiện nay, diện tích sầu riêng tại Lâm Đồng đã đạt hơn 17.000ha, tăng hơn 3.500ha so với năm 2021. Ảnh: V.L

Nhìn lại quá trình xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua, ông Nguyên cho rằng, chúng ta có ưu thế hơn so với Thái Lan và Malaysia trong khâu logistics. Tuy nhiên, khi chuyển qua sầu riêng đông lạnh thì ưu thế về địa lý không còn nữa và đồng thời nổi lên 2 vấn đề sẽ quyết định nước nào chiếm lĩnh được thị trường, đó là: Trồng trọt và công nghệ bảo quản.

Năm 2023, ngoài chi ra khoảng 6,7 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi, Trung Quốc còn chi thêm hơn 1 tỉ USD để mua sầu riêng đông lạnh chủ yếu từ các nước Malaysia và Thái Lan. Bởi vậy, khi tham gia vào xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh "khốc liệt" đến từ hai quốc gia trên.

Giống sầu riêng Musang King là niềm tự hào của Malaysia; Monthong cũng rất nổi tiếng ở Thái Lan. Còn Việt Nam có sầu riêng Ri6. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thẳng thắn nhìn nhận, về chất lượng và giá trị của sầu riêng Ri6 chưa thể so sánh với 2 loại trên.

Từ đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để cạnh tranh sòng phẳng, chiếm lĩnh được thị trường, để tiến sâu và khẳng định được vị thế sầu riêng đông lạnh, đầu tiên Việt Nam cần cải thiện các giống sầu riêng. Bên cạnh đó, khâu canh tác, thu hái cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo đúng các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng.

"Bước vào sân chơi sầu riêng đông lạnh thì yếu tố mùa vụ đã không còn nữa. Việt Nam có sầu riêng bán quanh năm nhưng giá trị, thương hiệu lại không bằng Malaysia và Thái Lan, trong khi một năm họ chỉ thu hoạch vài tháng", ông Nguyên nhìn nhận.

Khai thác "mỏ vàng" từ sầu riêng - trái cây vua của Việt Nam: Ngành sầu riêng đang đi bằng hai chân! - Ảnh 2.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, khi làm sầu riêng đông lạnh thì ưu thế về địa lý không còn nữa, mà cần chú trọng 2 vấn đề: Trồng trọt và công nghệ bảo quản.

Theo ông Nguyên, khâu quan trọng nhất khi bước vào sân chơi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, đó là "cuộc đua về công nghệ". Doanh nghiệp nào có hệ thống cấp đông hiện đại sẽ chiếm ưu thế trên thị trường.

Ông Nguyên lấy ví dụ ở Thái Lan và Malaysia. Sầu riêng sau khi tách múi được đưa vào container 40 feet, sau đó làm lạnh sâu bằng Nito lỏng chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Còn ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu cấp đông thông thường, phải mất tới 8 giờ. Như vậy, năng suất, chất lượng và hương vị của sầu riêng sẽ giảm do thời gian cấp đông quá lâu.

"Từ nghị định thư này, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị giải quyết những vấn đề mới nổi lên trong ngành sầu riêng là phải chuẩn hóa từ giống sầu riêng, nâng cấp công nghệ cấp đông, bao bì tiện lợi thân thiện với môi trường nếu. Nguồn nguyên liệu đã có nếu ta chế biến giỏi, ngon, bao bì đẹp, thân thiện môi trường thì sẽ vươn chiếm lĩnh được thị trường", ông Nguyên nói", ông Nguyên nói.

Tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu lên 70 – 80%

Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết, khi diện tích và sản lượng sầu riêng tăng nhanh trong những năm qua thì việc sầu riêng cấp đông được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không chỉ là một thuận lợi lớn cho sự phát triển bền vững ngành sầu riêng của tỉnh mà của cả ngành hàng này tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực từ vấn đề tăng sản lượng thu hoạch, bảo quản và quá trình vận chuyển đến cửa khẩu.

Trên thực tế, những quả sầu riêng tươi đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng cho thu hoạch tại các vườn, còn lại các trái không đạt tiêu chuẩn xuất tươi sẽ dùng tiêu thụ nội địa và bóc múi cấp đông hoặc dùng chế biến ra các sản phẩm khác như kem, chè...

Do đó, khi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông sẽ giúp tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu lên 70 – 80%.

Mặt khác, trường hợp vào vụ thu hoạch, quả tươi không xuất khẩu được hoặc giá bán thấp thì có thể cấp đông để xuất khẩu.

Điều này sẽ giúp giảm áp lực tiêu thụ quả tươi vào chính vụ, chủ động được việc điều tiết sản phẩm ra thị trường, kéo dài thời gian tiêu thụ sản phẩm… Việc cấp đông cũng giúp giám sát chất lượng tốt hơn, hạn chế vi phạm các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Khai thác "mỏ vàng" từ sầu riêng - trái cây vua của Việt Nam: Ngành sầu riêng đang đi bằng hai chân! - Ảnh 3.
Mô hình trồng sầu riêng của anh Lê Sỹ Hòa (thôn 8, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long

Cũng theo ông Côn, năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 34.000 - 35.000 ha, dự kiến sản lượng đạt trên 300.000 tấn (chủ yếu là các giống sầu riêng Dona, còn lại Ri6). Đắk Lắk đã vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chung của cả nước trong năm 2023.

Lâu nay, hướng xuất khẩu sầu riêng ở Tây Nguyên là xuất nguyên trái tươi, phục vụ nhu cầu ăn múi tự nhiên của người dùng. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu sầu riêng chính từ Tây Nguyên và Việt Nam, là do hướng tiêu thụ này.

Song sầu riêng tươi đòi hỏi lịch trình vận chuyển ngắn hạn, điều kiện bảo quản khắt khe, làm sao từ khi cắt tới khi bán tới người tiêu dùng chỉ trong 15 ngày. Điều này dẫn tới chi phí cao, lợi nhuận thực tế cho người nông dân không cao mà lại nhiều rủi ro, nhất là khi sầu riêng chín rộ. Nếu đổi sang hình thức xuất khẩu múi sầu riêng cấp đông như Thái Lan, nhắm đến những tiêu chuẩn chế biến chuyên sâu khác nhau, thì sầu riêng Đắk Lắk và Tây Nguyên sẽ có những cơ hội khác hẳn.

Ngay với thị trường trong nước, sầu riêng ăn múi tươi đến nay vẫn còn khá đắt đỏ, không phải người tiêu dùng nào cũng chấp nhận được và có thể mua về ăn thường xuyên. Do đó, nếu chuyển sang xử lý sầu riêng cấp đông, phục vụ các yêu cầu chế biến chuyên sâu thì mặt hàng này sẽ không còn bị lệ thuộc thời gian mùa vụ.

"Việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp ngành hàng này có thêm nhiều hướng phân phối, đa dạng thị trường, đa phương chế biến, thu hút được nhiều dự án đầu tư hấp dẫn vào địa bàn cũng như thực hiện kết nối logistics ra bên ngoài thuận lợi hơn", ông Côn chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Côn cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu và chiếm lĩnh được thị trường, các doanh nghiệp và người trồng sầu riêng phải nâng cao chất lượng, năng suất trái sầu riêng (từ khâu giống, thu hoạch). Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư hệ thống cấp đông hiện đại.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng tươi của Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của Thái Lan.

Tuy nhiên Thái Lan có lợi thế về mặt hàng sầu riêng đông lạnh nguyên trái và sản phẩm đông lạnh tách múi. Vì thế, việc chúng ta ký được nghị định thư với Trung Quốc mặt hàng sầu riêng đông lạnh sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đột phá.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh, trong đó có sầu riêng đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài.

Theo danviet.vn
https://danviet.vn/sau-rieng-dong-lanh-viet-nam-xuat-khau-thhu-ca-ty-usd-di-bang-2-chan-vung-chai-hon-20240826150658358.htm
Copy Link
https://danviet.vn/sau-rieng-dong-lanh-viet-nam-xuat-khau-thhu-ca-ty-usd-di-bang-2-chan-vung-chai-hon-20240826150658358.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        "Mỏ vàng sầu riêng", loại trái cây vua của Việt Nam: Đi bằng hai chân, ngành sầu riêng vững hơn (Bài 5)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO