Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Mở rộng đối tượng, đa dạng hình thức góp ý các dự thảo luật

Nguyễn Hiền 23/05/2024 05:32

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông chú trọng mở rộng đối tượng, nâng cao chất lượng lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật trình tại các kỳ họp Quốc hội.

ADQuảng cáo

Đọc kỹ, nghiên cứu sâu

Tại hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật về phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tổ chức trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây đã ghi nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp từ các cơ quan, đơn vị liên quan.

Hầu hết đại biểu các sở, ngành liên quan tham gia đã đóng góp sâu từ bố cục, câu, từ, nội dung các điều, khoản của dự thảo luật, nhất là những nội dung liên quan nhiều đến ngành, lĩnh vực mình quản lý và thực thi nhiệm vụ. Trong đó, đại biểu kiến nghị sửa đổi, làm rõ một số nội dung quan trọng như quy định các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách Nhà nước; quản lý an ninh, trật tự; quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh; tiếp nhận và xác minh nạn nhân trong các vụ buôn bán người…

Trung tá Nguyễn Trung Huân, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: “Khi nhận được dự thảo luật, tôi đã đọc kỹ và nghiên cứu sâu, nhất là liên hệ với thực tế đang diễn ra trên địa bàn tỉnh để rút ra những những nội dung còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế triển khai những năm qua. Vì là đơn vị liên quan nhiều đến dự thảo luật nên tôi cũng cập nhật thêm thực trạng buôn bán người cũng như quy trình xử lý để đại diện các đơn vị khác nắm bắt thêm thông tin để ý kiến góp ý đi vào chiều sâu, đề xuất được phương án sửa đổi sát thực nhất”.

Nhờ đó, Đoàn đã thu thập được nhiều ý kiến thiết thực, phù hợp thực tiễn triển khai mà các dự thảo luật chưa nêu hoặc nêu chưa phù hợp. Đây là những dữ liệu quan trọng để Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, kiến nghị tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khi thảo luận, xem xét thông qua dự thảo luật.

img_0726.jpg
Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trung Huân đóng góp tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo luật về phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Trung tá Nguyễn Trung Huân chia sẻ thêm, để góp ý hiệu quả thì bản thân người góp ý kiến trước hết phải có tinh thần trách nhiệm, có sự nghiên cứu sâu kết hợp với trải nghiệm thực tế triển khai của bản thân, đơn vị hoặc nắm bắt từ thực tế. Việc lấy ý kiến một dự thảo luật cũng nên chia nội dung theo từng nhóm tương đương với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức để ý kiến đóng góp mang tính chất chuyên sâu, toàn diện các phần của dự thảo luật.

Đa dạng hình thức góp ý

Theo đồng chí Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đều tổ chức các hoạt động lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị, cá nhân liên quan đến dự thảo luật.

Việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo luật được Đoàn duy trì liên tục, thậm chí cả trong thời gian diễn ra kỳ họp, để cung cấp tư liệu cho đại biểu Quốc hội tỉnh trong quá trình tham gia các hoạt động của kỳ họp.

Tài liệu liên quan phục vụ công tác xây dựng luật được Đoàn chủ động khai thác từ nhiều nguồn như Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành; từ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội mà các vị đại biểu Quốc hội tỉnh là thành viên.

img_0706.jpg
Qua các Hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo luật đã giúp Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tổng hợp được nhiều ý kiến chất lượng, mang tính chất chuyên sâu để ý kiến, kiến nghị tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét để hoàn thiện dự thảo.

Để có những ý kiến chất lượng, đa chiều, Đoàn đa dạng hình thức lấy ý kiến như tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật với thành phần là đại biểu các sở, ngành, đơn vị, tổ chức thực thi nhiệm vụ có liên quan đến nội dung các dự thảo luật; tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị.…

Cùng với lấy ý kiến tập trung, Đoàn tổ chức các buổi lấy ý kiến riêng những đơn vị liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với từng dự thảo luật. Đối với một số dự thảo luật cần lấy ý kiến gấp, Đoàn làm văn bản gửi các sở, ngành liên quan để nghiên cứu, góp ý bằng văn bản...

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh phân công từng đại biểu nghiên cứu từng dự án luật theo lĩnh vực để tham gia tiếp cận cụ thể, đồng đều, tránh trường hợp chỉ tập trung vào một dự án luật... Nhờ đó, Đoàn ghi nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý thiết thực và có chất lượng, sát thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng luật của Quốc hội nói chung và của Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng.

“Để có những ý kiến, kiến nghị chất lượng, tùy vào nội dung của dự thảo luật, Đoàn sẽ mời những cá nhân, đơn vị liên quan một cách phù hợp. Sau khi tổng hợp tất cả ý kiến, Đoàn tiếp tục nghiên cứu, phân loại, chọn lọc để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh sửa hoặc bổ sung. Nhờ đó, nhiều dự thảo luật sau khi được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị liên quan thực thi nhiệm vụ”, đồng chí Dương Khắc Mai cho hay.

Năm 2023, bằng nhiều hình thức tổ chức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đã lấy được hàng trăm lượt ý kiến trực tiếp và gián tiếp góp ý cho gần 30 dự thảo luật và nghị quyết. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Đoàn đã tổ chức lấy được 100 lượt ý kiến đóng góp 7 dự thảo luật.

Cũng theo đồng chí Dương Khắc Mai, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức lấy ý kiến các dự thảo luật còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là việc đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu đóng góp xây dựng các dự thảo luật có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số đơn vị khi có yêu cầu đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật thì giao cho một vài cá nhân phụ trách nên ý kiến đóng góp không bao quát được các lĩnh vực, không nhìn thấy hết những bất cập trong quá trình triển khai.

Mặt khác, đặc thù tỉnh Đắk Nông chưa có nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn sâu, tâm huyết chủ động quan tâm, tham gia đóng góp vào các dự án luật. Một số cán bộ, công chức các cấp tỉnh, huyện khi được mời tham gia đóng góp ý kiến do thời gian dành cho công tác chuyên môn nhiều nên chưa thật sự tích cực phát huy hết trách nhiệm, trí tuệ trong việc đóng góp ý kiến.

"Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến đóng góp các dự thảo luật. Trong đó, Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lấy ý kiến dự thảo luật. Đoàn đổi mới, đa dạng các hình thức lấy ý kiến đóng góp các dự thảo luật. Các hội nghị lấy ý kiến trực tiếp tại các sở, ngành liên quan để có những đóng góp chuyên sâu, sát thực tiễn của các dự án luật sẽ được Đoàn tăng cường, để có những đề xuất, kiến nghị thiết thực trong các kỳ họp Quốc hội", đồng chí Dương Khắc Mai cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đối tượng, đa dạng hình thức góp ý các dự thảo luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO