Xây dựng Nam Định trở thành một trong những trung tâm phát triển quan trọng Vùng Nam đồng bằng Sông Hồng
Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong đó, định hướng công nghiệp xanh; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng. Xây dựng hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực. Phát triển bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Định hướng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định
Đến năm 2025: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định.
Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định.
Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định.
Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định.
Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp giai đoạn trước, đơn vị hành chính ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị. Phương án sắp xếp cụ thể thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Nam Định
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng (khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu du lịch; khu nghiên cứu đào tạo; khu thể dục thể thao,…).
Quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đảm bảo đủ tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường theo quy định của pháp luật.
Đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Nam Định có 26 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45-50%.
Cụ thể, thành phố Nam Định (mở rộng) là đô thị loại I.
Chín đô thị loại IV là thị trấn: Thịnh Long, Yên Định - huyện Hải Hậu; Rạng Đông - huyện Nghĩa Hưng, Quất Lâm, Giao Thủy - huyện Giao Thủy; Xuân Trường - huyện Xuân Trường; Cổ Lễ - huyện Trực Ninh; Lâm - huyện Ý Yên; Gôi - huyện Vụ Bản.
16 đô thị loại V gồm có6 đô thị hiện hữu là: Nam Giang - huyện Nam Trực; Quỹ Nhất - huyện Nghĩa Hưng; Cồn - huyện Hải Hậu; Cát Thành, Ninh Cường - huyện Trực Ninh; Liễu Đề - huyện Nghĩa Hưng;
10 đô thị thành lập mới: Khu vực 4 xã huyện Ý Yên; Hồng Ngọc - huyện Xuân Trường; Bo - huyện Ý Yên; Nghĩa Minh - huyện Nghĩa Hưng; Đại Đồng - huyện Giao Thủy; Trung Thành - huyện Vụ Bản; Đồng Sơn - huyện Nam Trực; Trực Nội - huyện Trực Ninh; Hải Phú, Hải Đông - huyện Hải Hậu.
Phát triển, xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thành phố Nam Định, là đô thị loại I thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của tỉnh Nam Định và định hướng phát triển thành trung tâm của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Phương án phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2030
TT | Tên đô thị | Loại đô thị đến 2025 | Loại đô thị đến 2030 | Ghi chú |
I | Đô thị hiện hữu | |||
1 | Thành phố Nam Định | II | I | Mở rộng địa giới hành chính toàn bộ huyện Mỹ Lộc |
2 | Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên | V | IV | |
3 | Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy | V | IV | |
4 | Thị trấn Giao Thuỷ, huyện Giao Thủy | V | IV | |
5 | Thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu | V | IV | |
6 | Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu | IV | IV | |
7 | Thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng | V | IV | |
8 | Thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản | V | IV | |
9 | Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh | V | IV | |
10 | Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường | V | IV | |
11 | Thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực | V | V | |
12 | Thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh | V | V | |
13 | Thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh | V | V | |
14 | Thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng | V | V | |
15 | Thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng | V | V | |
16 | Thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu | V | V | |
II | Đô thị hình thành mới | |||
1 | Đô thị Trung Thành, huyện Vụ Bản | - | V | |
2 | Đô thị Đồng Sơn, huyện Nam Trực | - | V | |
3 | Đô thị Đại Đồng, huyện Giao Thủy | V | V | |
4 | Đô thị khu vực 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (huyện Ý Yên) | - | V | |
5 | Đô thị Bo, huyện Ý Yên | - | V | |
6 | Đô thị Trực Nội, huyện Trực Ninh | - | V | |
7 | Đô thị Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng | - | V | |
8 | Đô thị Hồng Ngọc, huyện Xuân Trường | - | V | |
9 | Đô thị Hải Phú, huyện Hải Hậu | - | V | |
10 | Đô thị Hải Đông, huyện Hải Hậu | - | V |