Sâm đương quy ở vùng quê biên giới
Như đã hẹn, anh Trương Như Quỳnh, cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức dẫn chúng tôi đến vườn trồng sâm đương quy của gia đình ông Thái Vĩnh Thạnh tại thôn 2, xã Đắk Búk So (Tuy Đức).
Ông Thạnh được xem là người đầu tiên mạnh dạn áp dụng mô hình trồng sâm đương quy dưới sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện từ cuối năm 2018. Đến nay, mô hình được đánh giá khá thành công, tỷ lệ cây sống đạt 100%, phát triển tốt, đến thời gian thu hoạch, 2 sào sâm đương quy cho củ đạt chất lượng cao, với trọng lượng đạt từ 0,5-0,8 kg/củ, sản lượng được 6,2 tấn, củ có mùi thơm đặc trưng, hàm lượng tinh dầu cao.
Các sản phẩm dược liệu được trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện quan trọng của tỉnh. |
Hỏi chuyện trồng dược liệu, ông Thạnh chia sẻ: "Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch, cây sâm đương quy mất 12-16 tháng. Tuy nhiên, khi trồng chỉ cần xử lý đất kỹ, bón phân đầy đủ, tưới nước và nhổ cỏ theo định kỳ thì sẽ cho năng suất cao, không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây trồng khác. Đặc biệt, khi trồng cây sâm đương quy không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm an toàn, bảo đảm môi trường và sức khỏe người tiêu dùng".
Ông Thạnh có sở thích hay tìm hiểu về các cây thuốc dân gian nên khi được phòng nông nghiệp mời tham gia thí điểm mô hình thì rất mừng, vì được làm điều mình thích, lại giúp gia đình có được nguồn thu tương đối ổn định. Hiện nay, giá sâm đương quy khá cao khoảng 90.000 đồng/kg tươi cả củ và lá, còn sau khi qua sơ chế sạch sẽ và sấy khô, được bán với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg.
Ông Thạnh tâm sự: "Tôi mong muốn thời gian tới việc phát triển cây dược liệu được tỉnh, địa phương quan tâm hơn nữa bằng việc quy hoạch, với những bước đi bài bản, có chiến lược lâu dài, bền vững. Qua đó, nông dân có thêm cây trồng mới, nhất là phát huy hết được tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi, phủ xanh đất đai bằng cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế gia đình".
Mạnh dạn đầu tư dược liệu
Chia tay vườn sâm đương quy ngát hương của ông Thạnh, chúng tôi lại đến với Hợp tác xã Nông nghiệp - Dược liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát đóng chân trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong), với 183 thành viên được chia làm 8 tổ hỗ trợ nhau cùng hoạt động, phát triển.
Khi nói về ý tưởng thành lập hợp tác xã (HTX) trên vùng đất khó, bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát niềm nở: "Xuất phát từ việc tiếp xúc, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con về làm nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo đảm ổn định cuộc sống nên tôi mạnh dạn bàn với các hộ gia đình xung quanh thành lập HTX để hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, nhận thấy Quảng Sơn có thời tiết, thổ nhưỡng khá phù hợp để nhiều cây thuốc quý phát triển, tôi cùng các thành viên HTX mạnh dạn chuyển hướng phát triển thêm cây dược liệu bên cạnh các cây trồng khác. Vì vậy, hiện nay HTX Thịnh Phát đang trồng một số cây dược liệu quý, mang lại giá trị cao như nghệ bọ cạp, sâm đương quy, sâm bố chính, đinh lăng… với diện tích khoảng 30 ha".
Các thành viên HTX thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm. |
Anh Ngô Thanh Sáng ở thôn 3B, xã Quảng Sơn, thành viên HTX cho biết: "Qua tìm hiểu trên mạng, tôi được biết cây sâm bố chính có nhiều hoạt chất quý, có giá trị trong việc điều trị nhiều chứng bệnh, nhất là tác dụng về bồi bổ cơ thể và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, tôi rủ mấy người bạn trồng thử nghiệm khoảng gần 1.000 m2.
Sau khi trồng, thấy cây phát triển tốt, chất lượng củ đạt cao, cộng thêm được HTX tư vấn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nên tôi mạnh dạn trồng chuyên canh trên 3 sào đất trống còn lại của gia đình. Với 3 sào, tôi thu hoạch được khoảng 8 tạ sâm tươi, với giá hiện nay khoảng từ 70.000-100.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình cũng thu lãi khoảng 40 triệu đồng".
Theo bà Toản, để bảo đảm nguồn ra cho cây dược liệu, tạo sự yên tâm, tin tưởng của các thành viên, HTX Thịnh Phát đã hình thành chuỗi liên kết bền vững, ký kết hợp đồng dài hạn với các công ty thu mua, cũng như đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến dược liệu đạt chất lượng cao hơn.
Ðề án đã xây dựng các định hướng: Bảo tồn và khai thác dược liệu bền vững; phát triển trồng cây dược liệu; xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại chỗ; kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm; nguồn nhân lực cho lĩnh vực phát triển cây dược liệu. Xây dựng 9 nhóm giải pháp: Thông tin tuyên truyền; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tích tụ đất đai tại các vùng phát triển trồng cây dược liệu; chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông; đào tạo nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật; tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến; liên kết thị trường và tiêu thụ sản phẩm; quản lý Nhà nước; huy động vốn đầu tư. |
Kỳ vọng từ một đề án
Việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên làm thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm đang là xu hướng tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng dược liệu tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe, phòng và trị bệnh ngày càng gia tăng. Vì vậy, được UBND tỉnh Đắk Nông giao nhiệm vụ, Sở Y tế đã chủ trì xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030" và mời đơn vị tư vấn là Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cùng tham gia thực hiện.
Sau 6 tháng triển khai, đề án được xây dựng với sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu về dược liệu.
Từ kết quả đánh giá về mọi mặt, đề án đã xây dựng các định hướng và 9 nhóm giải pháp mang tính chiến lược để phù hợp với yêu cầu phát huy giá trị kinh tế gắn với bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen dược liệu.
Đặc biệt, đề án tập trung vào việc khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh đất đai, bảo vệ môi trường, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở những vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế.