Pháp luật

Mô hình 5+1 và tấm lòng để người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng

Trọng Nghĩa 25/10/2023 05:47

Quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Mô hình 5+1

Sau khi chấp hành xong án phạt, chị T.T.P.Đ, xã Nam Đà (Krông Nô) trở về địa phương sinh sống. Qua rà soát của Công an huyện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Huyện đoàn và UBND xã Nam Đà, chị Đ được lựa chọn để giải ngân vốn vay 100 triệu đồng làm ăn sinh sống.

Chị Đ cho biết: “Thời gian chấp hành án phạt, tôi rất hối hận về việc làm sai trái của mình. Trở về địa phương, tôi được lực lượng công an, chính quyền, đoàn thể xã, thôn động viên xóa bỏ mặc cảm, tự ti để làm lại cuộc đời. Với số vốn hỗ trợ, tôi đầu tư chăm sóc vườn cà phê, mong muốn cuộc sống sẽ thay đổi”.

img_5847-1-.jpg
Với số vốn được hỗ trợ, chị Đ đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn cà phê.

Được biết, năm 2019, Công an xã Nam Đà đã triển khai mô hình “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ” (gọi tắt là Mô hình 5+1). Theo đó, khi có người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, Công an xã tham mưu cho UBND xã phân công 5 thành viên thuộc ban, ngành, MTTQ, hội đoàn thể phối hợp giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt.

Các thành viên được phân công thường xuyên thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, trở ngại trong quá trình THNCĐ như tạo điều kiện học nghề, vay vốn... Đến nay, mô hình 5+1 đang được nhân rộng ra địa phương khác trong huyện.

Không riêng ở xã Nam Đà, theo Thượng tá Lê Sỹ Ngọc, Phó trưởng Công an huyện Krông Nô, đơn vị phối hợp tốt với các xã, thị trấn tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, THNCĐ. Nhờ vậy, nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương không cảm thấy tự ti, mặc cảm về một thời lầm lỗi, có ý chí, quyết tâm trở thành công dân có ích.

Cả hệ thống chính trị chung tay, hỗ trợ

Hiện nay, công tác quản lý, giúp người sau chấp hành án phạt THNCĐ có sự vào cuộc của các cấp, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Mỗi đơn vị đều có những cách làm phù hợp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, đoàn viên, người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử; phối hợp hướng dẫn phát triển kinh tế; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để truyền tải đến các cơ quan chức năng...

img_5809-1-.jpg
Việc gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời là chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh quý III, triển khai nhiệm vụ chủ yếu quý IV/2023 do Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Phú Nghĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, mặc dù MTTQ và các tổ chức thành viên đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền nhưng việc quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù chưa được sát với yêu cầu thực tế.

"Những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều có tâm lý mặc cảm, tự ti nên việc gặp gỡ, tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng gặp không ít khó khăn. Do đó, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải chung tay, hỗ trợ, giúp đỡ để họ THNCĐ, để họ không vì mặc cảm bỏ đi nơi khác sống, tái lại lỗi lầm", đồng chí Nguyễn Phú Nghĩ cho biết.

Cũng tại hội nghị này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho rằng, công tác giúp người lầm lỗi THNCĐ cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành địa phương nơi có người lầm lỗi sinh sống cần quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về việc làm, hòa nhập để sống tốt hơn, tránh tư tưởng đây là việc của cơ quan công an, rồi đứng ngoài cuộc.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung nhấn mạnh, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi THNCĐ luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo. Giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước với mong muốn tạo mọi điều kiện cần thiết nhất để người sau phạm tội THNCĐ. Vì vậy, mỗi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị cần nêu cao vai trò, trách nhiệm giúp người lầm lỗi THNCĐ để góp phần an dân, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, địa phương phát triển.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Mô hình 5+1 và tấm lòng để người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO