Đời sống

Mồ côi tội lắm ai ơi

Thanh Hằng 18/05/2022 13:47

Hàng ngày, chị em Thị Lương (SN 2005) và Thị Thơm (SN 2010) ở bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức) tá túc nhờ trong bếp của người họ hàng, nuôi ước mơ được đến trường và có một mái ấm trọn vẹn như những đứa trẻ khác.

screenshot-557-.png

Hàng ngày, chị em Thị Lương (SN 2005) và Thị Thơm (SN 2010) ở bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức) tá túc nhờ trong bếp của người họ hàng, nuôi ước mơ được đến trường và có một mái ấm trọn vẹn như những đứa trẻ khác.

Mồ côi, thất học

Mẹ bỏ rơi khi em gái của Thị Lương chưa tròn 2 tuổi, sau đó qua đời trong lúc đi làm thuê. Chỉ mấy năm sau, bố cũng mất khi cả 2 chị em vắng nhà.

Nơi ở của hai chị em Thị Lương nằm ở căn nhà cuối cùng bon Bu Prăng 2. Từ nơi ở ấy, hai chị em phải đi bộ gần 1 km nữa mới tới được căn nhà cũ mà chúng đã từng gắn bó hơn 10 năm nay. Thế nhưng, từ ngày bố mất, căn nhà ấy cũng bị đốt bỏ, trên đất bây giờ chỉ còn lại một đống tro tàn.

img_0175-4096x2731.jpeg
Căn bếp của một người họ hàng nơi hai chị em Thị Lương đang ở nhờ.

Nhắc về hoàn cảnh chị em Thị Lương, Thị Thơm, người dân trong vùng nói rằng, không thể từ ngữ nào có thể diễn tả được nỗi xót xa, bất hạnh của những đứa trẻ M’nông này. Cả hai đứa trẻ mồ côi, không biết chữ, không nhà cửa, sống co cụm như những lùm cỏ lau trên vùng đất biên giới Quảng Trực.

img_0251-4096x2731.jpeg
Căn nhà cũ của hai chị em Thị Lương bây giờ chỉ còn đống tro tàn.

Anh Bùi Minh Hải, Trưởng bon Bu Prăng 2 cho biết, đầu tháng 4 vừa qua, khi cả hai chị em Thị Lương đi cách ly, điều trị Covid-19 thì bố các em mất. Trước đó 2 năm, mẹ của Thị Lương trong lúc đi làm thuê cũng qua đời.

“Theo tục lệ , căn nhà của Thị Lương phải đốt bỏ trong ngày làm ma cho bố. Cũng từ ngày ấy, cả hai chị em không còn nơi trú ngụ, phải sống nhờ trong căn bếp của một người họ hàng. Toàn bộ ăn uống, ngủ nghỉ chỉ gói trọn trong một gian bếp rộng chưa đầy 10 m2”,

Anh Bùi Minh Hải, Trưởng bon Bu Prăng 2 cho biết

Theo Trưởng bon Pu Prăng 2, vì hoàn cảnh khó khăn, cả hai chị em chưa được đến trường nên dù đã 15 và 12 tuổi, cả hai đều chưa biết chữ. Sau ngày bố mất, chính quyền địa phương vận động, cả hai em tham gia lớp xóa mù chữ của địa phương vào buổi tối, còn ban ngày theo người lớn đi làm thuê cho các hộ khác trong vùng.

1-4096x2731.jpeg
Hàng ngày hai đứa trẻ tự lo liệu, chăm sóc nhau.

“Hai em rất tội nghiệp, từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương của mẹ, bây giờ lại không còn bố nên bà con hàng xóm thương xót, mỗi người một tay, giúp các cháu có miếng cơm, bó rau để ăn qua ngày. Hiểu được hoàn cảnh của bản thân, cả hai chị em đều rất ngoan ngoãn, nghe lời mọi người để đi học xóa mù chữ”, anh Bùi Minh Hải nói.

screenshot-560-.png

Ước mơ được đến trường

Khi được hỏi về cuộc sống sau khi trở thành trẻ mồ côi, Thị Lương không giấu nổi những cảm xúc vốn đã dồn nén bao lâu nay.

Cô bé cho biết, ngày bố còn sống, em nhận công việc trông trẻ cho một hộ dân trong xã, với số tiền 2,5 triệu đồng/tháng, còn em gái thì đi làm cỏ hoặc thu hoạch cà phê, mắc ca. Chưa một ngày được đến lớp nên chỉ đến khi được tham gia lớp học xóa mù chữ, cả hai cô bé M’nông này mới có thể viết được tên mình.

3-1285x856.jpeg
Cả hai chị em Thị Lương đang tham gia lớp học xóa mù chữ.

Mẹ bỏ đi lâu rồi, dù ở cùng xã nhưng không về thăm hai chị em. Đến ngày mẹ mất, mọi người báo thì cả hai chị em mới được đến gặp mẹ. Cũng từ ngày mẹ bỏ đi, bố suốt ngày say xỉn nên chúng em không được đi học vì nhà không có tiền”, Thị Lương kể.

Nói rồi, cả hai chị em lấy từ đầu giường ra một cuốn sách Tiếng Việt, khoe rằng sau gần 2 tuần đi học, đến nay cả hai đã biết mặt chữ. Không chỉ biết viết tên mình, chị em Thị Lương đã viết ra những dòng tâm sự, chất chứa những nỗi niềm của hai đứa trẻ mồ côi.

img_0187-4096x2731.jpeg
Sau gần 2 tuần đi học, đến nay cả hai chị em Thị Lương đã biết mặt chữ.

Thị Lương nghẹn ngào cho biết, nhiều năm nay, chứng kiến những đứa trẻ trong vùng được đến trường, 2 chị em cũng có khát khao được đến lớp. Thế nhưng, vì hoàn cảnh gia đình phải chạy ăn từng bữa, khát khao ấy mãi chưa thể thực hiện được cho đến ngày bố nhắm mắt, xuôi tay.

“Không biết chữ, cả hai chị em chỉ biết đi làm thuê cho người dân. Bây giờ được đi học, chúng em hạnh phúc và biết ơn lắm. Ngày nào không đi làm, em và em gái đều mang sách ra đọc lại bài. Dù chưa thể đọc lưu loát nhưng em nghĩ, chỉ cần mình cố gắng thì sau khi kết thúc lớp học, cả hai chị em sẽ không còn mù chữ nữa”,

Thị Lương chia sẻ

img_0200-4096x2731.jpeg
Dù chưa thể đọc lưu loát nhưng em nghĩ, chỉ cần mình cố gắng thì sau khi kết thúc lớp học, cả hai chị em sẽ không còn mù chữ nữa.
thi-thom-khong-nho-me-ma-chi.gif

Mong một mái ấm trọn vẹn

Sau khi đã ăn xong bữa cơm trưa, cả hai chị em Thị Lương lại lội bộ, trở về nơi ở cũ từng gắn bó hơn 10 năm.

Giữa một vùng đất cỏ mọc gần bằng đầu người, chỉ còn sót lại một đống than lớn và vài tấm tôn cũ rách. Nơi ấy từng lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ của hai chị em, nhưng cũng chất chứa những đau thương sẽ đi theo các em suốt cuộc đời.

Thị Lương kể: “Cả hai chị em đã chấp nhận việc mẹ bị bỏ rơi. Suốt bao nhiêu năm nay, cả hai được một tay bố chăm sóc nhưng càng lớn, chúng em càng khát khao có một gia đình trọn vẹn. Thiếu đi tình cảm của mẹ, Thị Thơm càng ngày càng ít nói, sống khép mình, lúc nào cũng chỉ nhắc về bố”.

“Một gia đình trọn vẹn” có lẽ là điều bình thường đối với những đứa trẻ khác trong vùng, nhưng đó sẽ là ước mơ mãi sẽ không trở thành hiện thực đối với chị em Thị Lương, Thị Thơm, khi mà những người thân yêu của các em lần lượt ra đi và cả hai vẫn chưa có một căn nhà của riêng mình.

2.gif

Đưa đôi mắt nhìn quanh nơi mình từng sinh sống, ký ức ùa về trong tâm trí của hai chị em Thị Lương. Cô bé cho biết, ngày trước dù căn nhà có nhỏ, có xuống cấp nhưng vẫn còn có hơi ấm của gia đình. Từ ngày không có những đấng sinh thành bên cạnh, cả hai cô bé chọn căn bếp nhỏ, chật chội và lấm lem làm nơi tá túc.

Gương mặt buồn với đôi mắt đỏ hoe, Thị Lương cúi gằm xuống, nước mắt rơi lã chã: "Chỉ khi sống trong không gian nhỏ này, hai chị em mới không còn cảm giác trống vắng, lạnh lẽo nữa. Nhưng vì đang phải đi ở nhờ, chúng em không biết đặt ảnh bố mẹ ở đâu nên cả hai chị em cũng rất buồn và cảm thấy có lỗi”.

Theo Thị Lương, gia đình em có 1 sào đất rẫy đã bỏ không nhiều năm nay. Bây giờ, trở thành trụ cột của gia đình, thay bố mẹ chăm sóc em gái, Thị Lương dự định sẽ trồng cà phê trên đám đất rẫy đó. Nhưng chờ đến ngày cà phê được thu hoạch, cuộc sống phía trước của hai chị em vẫn còn mù mịt và vô vàn khó khăn.

screenshot-558-.png

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của hai chị em Thị Lương, ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, sau khi người thân của hai cháu qua đời, chính quyền địa phương đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức chung tay hỗ trợ các cháu ổn định tâm lý và cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là lo cho các cháu có một nơi ở cố định trước khi tính đến chuyện cho đi học tiếp để có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

"Cả hai cháu sớm chịu nhiều bất hạnh nhưng đều rất ngoan ngoãn, nỗ lực mỗi khi đi học xóa mù chữ. Chính quyền địa phương mong mỏi, sẽ có các nhà hảo tâm giúp đỡ, xây dựng cho các cháu một căn nhà kiên cố để từng bước hiện thực ước mơ của 2 chị em Thị Lương, Thị Thơm", ông Nguyễn Hải Lý chia sẻ thêm.

screenshot-562-.png
screenshot-561-.png

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Mồ côi tội lắm ai ơi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO