Sáng 27/10, tại TP. Gia Nghĩa, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị ngành Công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung; UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cùng lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực.
Năm 2022, toàn khu vực có 12/15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn cả nước (cả nước tăng 7,8%); trong đó, 8 tỉnh có chỉ số IIP tăng trưởng trên 2 con số như: Kon Tum, Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai; Phú Yên, Quảng Bình...
Trong 9 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân toàn khu vực đạt 3,6%, cao hơn so với bình quân cả nước (0,3%). Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng một số tỉnh vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Trong đó, có 4/15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao hơn 2 con số như: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đắk Lắk; có 2/15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm là Đà Nẵng, Quảng Nam...
Trong 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng tăng 12,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước luôn bảo đảm.
Kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành phố toàn khu vực trong 9 tháng năm 2023 đạt 11,609 tỷ USD, phục hồi 96,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức phục hồi của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến bày tỏ, Đắk Nông là cửa ngõ, đầu mối giao thương giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh có nhiều tiềm năng , lợi thế để phát triển. Đặc biệt, Đắk Nông đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp khai thác bô xít và luyện nhôm của cả nước.
Do đó, Đắk Nông mong muốn, Bộ Công Thương, các tỉnh trong khu vực sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, đầu tư, liên kết sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị, các địa phương khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trên cơ sở phù hợp với các định hướng phát triển 2 vùng chiến lược được Bộ Chính trị thông qua, Quy hoạch tổng thể Quốc gia, các quy hoạch ngành.
Trên cơ sở đó sẽ xây dựng chiến lược, Chương trình hành động và các đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn đến năm 2030.
Ngành Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp.
Đối với các nội dung như: logistics, quy hoạch điện, truyền thông chính sách... các sở công thương địa phương cần tiếp tục quan tâm, để có ý kiến với tỉnh, sau đó, tỉnh đề xuất với Bộ sớm có giải pháp triển khai cụ thể.