Miền Trung - Tây Nguyên được hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng vốn khuyến công
Chiều 26/10, tại TP. Gia Nghĩa, Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII, năm 2023.
Trong năm 2022, tổng kinh phí khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên thực hiện được 69,3 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch năm. Trong đó, tổng kinh phí khuyến công Quốc gia là 27,6 tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch; tổng kinh phí khuyến công địa phương là 41,7 tỷ đồng, đạt 96,1% kế hoạch.
Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2023 được duyệt của miền Trung-Tây Nguyên là 78,7 tỷ đồng, cao hơn 8,5% so với năm 2022. Trong 9 tháng năm, kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện được 45,9 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch năm, cao hơn 85,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh phí khuyến công Quốc gia thực hiện được 18,3 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương thực hiện được 27,6 tỷ đồng.
Các đề án khuyến công tập trung hướng đến các ngành công nghiệp chủ lực, các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) với các nội dung như: tư vấn hướng dẫn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất, trình diễn mô hình kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu...
Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp từng bước mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì, giải quyết được nhiều việc làm ở khu vực nông thôn.
Về hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 các tỉnh, thành phố trong khu vực đã triển khai một số nội dung như: tư vấn các dự án đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp; thiết kế lập tổng dự toán công trình điện; kiểm toán năng lượng…
Trong 9 tháng năm 2023, toàn khu vực đã tư vấn cho 80 dự án, với doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung đề nghị, sở công thương các địa phương cần tập trung rà soát, nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế. Từ đó nghiên cứu, đề xuất cho Bộ Công thương hướng đi, nội dung mới trong nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công.
Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công theo hướng chuyên nghiệp, các địa phương cần xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, xã, giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách.
Ông Trung nhấn mạnh, các đơn vị cần tiếp tục đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, các đề án điểm, đề án nhóm. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT, hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Qua đó đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.