Me Tư Hồng - chuyện người đàn bà phá tường thành Hà Nội
"Me Tư Hồng" là tiểu thuyết dựa trên nhân vật có thật trong lịch sử: cô Tư Hồng - người phụ nữ lập công ty đầu tiên xứ Bắc, người phá thành Hà Nội.
Bản lĩnh và yếu đuối, giàu sang và ô nhục
Hơn trăm năm trước, có một người đàn bà nổi tiếng xấu xa trong xứ ta: cô (hoặc "me") Tư Hồng. "Me" là kiểu gọi với ý chê bai, xếch mé, vì cô lấy chồng người Hoa tên Hồng, "xong" lại lấy Laglan - quan tư Tây.
Tư Hồng bắt tay làm ăn với chính quyền thuộc địa, bị quy là kẻ phá thành Hà Nội..., kết cục bị cụ Tam Nguyên Yên Đổ "đóng đinh" vào lịch sử với đôi câu đối:
"Có tàn có tán có hương có án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh
Nào biển nào cờ nào sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người."
Tức thị một loại đĩ cao cấp.
“Cô Tư Hồng là ai, công tội ra sao?” là câu hỏi không dễ trả lời. Tiểu thuyết cung cấp cho độc giả một góc nhìn khá đầy đủ về tư liệu, với thái độ tôn trọng và nhân văn hóa hình tượng một người đàn bà kỳ lạ trong lịch sử Hà Nội thế kỷ 20.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, đương khi tìm tư liệu về thời cận đại "dở dương", bắt gặp những điều thú vị về nhân vật này, cho ra cách hình dung khác về bà.
Tiểu thuyết chân dung hay tiểu thuyết tư liệu (ông gọi thế) Me Tư Hồng ra đời trên cơ sở đó, nối những sự kiện, mốc cứ liệu có thật bằng trí tưởng tượng.
Tưởng tượng thế nào cho hợp với hiện thực là một nhẽ, cái khó hơn là cho người đọc thấy những nét tích cực của "me", khác nhiều cái chân dung xấu xa đương thời để lại.
Đó là một bối cảnh xã hội thật ngổn ngang. Triều đình, dù chủ hòa hay chủ chiến, cùng cánh văn thân Cần Vương đã thất bại, nhưng ý thức hệ Nho giáo lấy "sĩ" làm đầu, tư tưởng bài ngoại cùng đạo đức hương ẩm còn vững chắc.
Dễ hiểu, là ai ai cộng tác với "Tây" đều bị ghét bỏ. Huống hồ đàn bà.
Quả là cô gái quê Trần Thị Lan trêu ngươi quá lắm. Lấy chồng Tàu, Tây - nghĩa là thập thành lang chạ - đã đành, lại giao thiệp với quan chức thuộc địa để "làm" mại bản, buôn bán dọc ngang, thầu phá thành Hà Nội - một biểu tượng của quốc gia phong kiến.
Xong đoạn phì gia đến vinh thân, cô xin vua phong Ngũ phẩm nghi nhân cho bố, bản thân vẫn đường đường sắm vai "Lạc quyên nghĩa phụ", "Đệ nhất khiêu vũ".
Nhưng theo con mắt mới mẻ, "me" lại nhiều nết tốt. Về quan niệm xã hội, cô dấn thân vào chốn công thương, làm lu mờ vai trò của sĩ, nông.
Về đạo đức, chả "tam tòng" tẹo nào, cô giúp đỡ nhiều kẻ cơ nhỡ, họ tộc, làng xóm, cả người tình cũ. Cái cách cô tuyển ngay đám thợ đấu cùng quê lên phá thành Hà Nội thật tài tình.
Bị giữ ba tàu thóc, không giải cứu được, cô biến ngay chúng thành hàng cứu trợ dân đói.
Sành sỏi tâm lý nhiều hạng người, Lan hiện đại hơn ông trưởng họ ở quê đã đành, mà còn có phần vượt cả ông chồng người Hoa thạo buôn bán và ông chồng công chức Pháp.
Không có ý thức phản kháng truyền thống đã tồn tại cả nghìn năm, chỉ giàu tham vọng, cô tuyên chiến với thời cuộc, chấp nhận bươu đầu mẻ trán về tiếng tăm, tính mạng.
Đa tài, đa tình nên đa đoan, lắm mâu thuẫn giữa vô vàn đòi hỏi, Trần Thị Lan phải nhận bao nhiêu trái đắng: người thân xa lánh, đường con cái bị triệt hạ, cuối cùng bất đắc kỳ tử vô duyên cớ.
Nhưng vô duyên cớ có lẽ là một kết cục đầy duyên cớ, không thể khác. Người thế tồn tại lâu, "sừng sững" thế nào giữa một hoàn cảnh như thế. Những thông Vôi, ký Bưởi còn chả được nữa là.
Me Tư Hồng là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Bản thân hành trạng nhân vật chính cùng nhân tình thế thái xung quanh đã rất lôi cuốn.
Nguyễn Ngọc Tiến kể kiểu cổ điển, theo dòng thời gian và thành công khi không "thông thái" nhảy vào cắt nghĩa, áp đặt quan niệm của mình vào người đọc. Văn ông hơi "phẳng", kiểu của người quen viết khảo cứu và cũng tiếc tính cách Lan, giá được làm cho sắc nét hơn.
Nhưng cái chính là ta đã được một dịp nhìn lại giai đoạn ấy không đơn điệu, theo kiểu không tốt thì xấu, không trắng thì đen đơn thuần.