Bên cạnh đó, MB dẫn đầu thị trường trong chuyển đổi số với số lượng trên 30 triệu khách hàng. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với Đại tá Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB về các định hướng hoạt động của MB trong thời gian tới.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết, MB đã thay đổi tư duy chiến lược về chuyển đổi số như thế nào để đạt được vị thế dẫn đầu thị trường như hiện nay?
![]() |
Đại tá Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đại tá Lưu Trung Thái: MB bắt đầu thực hiện chiến lược chuyển đổi số từ năm 2017 và triển khai mạnh mẽ cho đến nay. Phương châm hoạt động của MB là luôn lấy khách hàng làm trung tâm nên mọi dự án chiến lược về chuyển đổi số luôn tập trung vào khách hàng, nhằm tạo ra các trải nghiệm khác biệt trên kênh số, cạnh tranh về tốc độ và chất lượng. Nhờ vậy, tỷ lệ tự động hóa các quy trình nội bộ của MB luôn ở mức cao (tỷ lệ phê duyệt và thẩm định tự động đạt trên 82% với khách hàng cá nhân, trên 70% với khách hàng doanh nghiệp). Các thành tựu MB đạt được khi thực hiện chiến lược chuyển đổi số: Tính đến tháng 12-2024, thực hiện 6,2 tỷ giao dịch trên kênh số, chiếm 98,6% tổng số giao dịch; khoảng 36% doanh thu đến từ hoạt động chuyển đổi số; 26,5 triệu khách hàng sử dụng ứng dụng MBBank; 4 năm liên tiếp ứng dụng MBBank lọt tốp những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store Việt Nam; tốp 1 về giao dịch qua Napas (Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam); tốp 3 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành ngân hàng.
Cùng với đó, MB luôn chú trọng đầu tư vào con người bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ. Đến nay, lực lượng nhân sự triển khai công nghệ, dữ liệu, ngân hàng số của MB đang dẫn đầu thị trường về số lượng và chất lượng. MB cũng là ngân hàng đầu tiên thành lập Khối Dữ liệu và cho đến hiện tại, với đội ngũ gần 300 nhân sự làm về dữ liệu đã góp phần xây dựng các mô hình và chiến dịch kinh doanh hiệu quả. Ngoài các mô hình kinh doanh, MB còn triển khai các mô hình chấm điểm tín dụng dựa trên hành vi khách hàng, triển khai các mô hình chống Fraud (gian lận trong lĩnh vực ngân hàng) dựa vào AI (trí tuệ nhân tạo) phát hiện các hành vi bất thường nhằm bảo vệ khách hàng và nâng cao danh tiếng của MB trong bối cảnh lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp.
MB hướng đến mục tiêu năm 2026, sẽ có 30% dân số Việt Nam sử dụng ứng dụng MBBank; 50-70% doanh thu đến từ kênh số; 30% các hoạt động dịch vụ, dựa trên hai nền tảng chính là ứng dụng MBBank và BIZ MBBank.
PV: Hiện nay, MB được các chuyên gia tài chính-ngân hàng đánh giá là có hệ sinh thái tài chính đầy đủ nhất. Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về mô hình này, nhất là sau khi MB tiếp nhận thêm Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Nam Hiện Đại (MBV)?
Đại tá Lưu Trung Thái: MB có đầy đủ các công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bao gồm có công ty quản lý quỹ, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản, tài chính tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thêm hai ngân hàng, một ngân hàng ở nước ngoài (MBCambodia) và một ngân hàng trong nước (MBV). Với cấu trúc đa dạng như vậy, cho phép MB có thể phát triển thành một hệ sinh thái đầy đủ. Do đó, chúng tôi đang hướng tới trở thành một tập đoàn tài chính dẫn đầu thị trường.
Tháng 10-2024, chúng tôi tiếp nhận chính thức MBV từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. MB đã hỗ trợ rất nhiều về con người, công nghệ cho ngân hàng mới này. MBV là ngân hàng nhỏ nên sẽ nhanh nhẹn, linh hoạt hơn, có thể thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới cho giới trẻ. Cũng nhờ quy mô nhỏ, MBV có điều kiện chăm sóc khách hàng chu đáo hơn. Tôi cho rằng ngân hàng nhỏ có điểm mạnh riêng, trong năm nay, MBV chắc chắn sẽ hết lỗ và bắt đầu có lãi.
PV: Trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Chính phủ rất quan tâm đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng đến với những đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Trong đó việc hỗ trợ tín dụng được quan tâm đặc biệt để góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Vậy MB đã làm gì để góp phần đưa dịch vụ ngân hàng đến với các đối tượng này?
Đại tá Lưu Trung Thái: Đối với chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thì việc đầu tiên là giúp tất cả người dân tiếp cận đến tài khoản ngân hàng, các dịch vụ tài chính toàn diện, đây là công việc rất quan trọng đối với MB. MB cho vay thông qua các nền tảng mà trước đây ngân hàng chưa tương tác, ví dụ như KiotViet. Hiện tại, KiotViet cung cấp phần mềm quản lý bán hàng cho khoảng hơn 200.000 hộ tiểu thương trên toàn quốc. Thông qua họ, MB sẽ biết đâu là khách hàng tốt, khách hàng xấu. MB cũng đang thử nghiệm thêm một vài mô hình cho vay ở vùng nông thôn để làm thế nào giảm được chi phí cho vay đối với những người yếu thế trong xã hội.
![]() |
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
PV: Hỗ trợ nhà ở xã hội cho người dân là một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Vậy MB có những đóng góp gì cho hoạt động này, thưa đồng chí?
Đại tá Lưu Trung Thái: Hiện nay, Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai xây dựng số lượng nhà ở xã hội để xóa nhà tạm, nhà dột nát với quy mô lớn. MB cũng đã chuẩn bị các nguồn lực để hỗ trợ chương trình này. Năm 2024, MB đã triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí hơn 135 tỷ đồng. Năm nay, MB vẫn có kế hoạch tham gia chương trình này nhằm thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cũng như nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng phân công.
PV: Hiện nay, kinh tế trong nước và thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Áp lực thuế quan, xung đột địa chính trị gia tăng, căng thẳng thương mại quốc tế... Vậy MB có kế hoạch hành động gì để duy trì tăng trưởng, bảo đảm các mục tiêu kinh doanh đề ra?
Đại tá Lưu Trung Thái: Năm nay là một năm khó khăn chung cho ngành ngân hàng bởi các thách thức nêu trên, do đó, MB cũng đưa ra một kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10%. Năm nay cũng là năm đầu tiên nhận chuyển giao bắt buộc MBV nên chúng tôi sẽ được hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn, dự kiến MB sẽ tăng trưởng tín dụng thêm 24%. Đối với việc Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% lên Việt Nam thì MB cũng đã có những kịch bản điều hành cho phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang trong khoảng thời gian 90 ngày tạm dừng áp dụng mức thuế đó. Khi có thông tin khoản thuế chính thức thì MB sẽ có những điều chỉnh phù hợp nhằm tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng (nếu là khách hàng của MB).
Hết quý I-2025, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 2,31%, đây là mức độ tăng trưởng tốt so với toàn ngành. Và chúng tôi cũng duy trì tốc độ này để bảo đảm là trong năm nay, sử dụng hết hạn mức tín dụng khoảng trên 24%. Năm 2025, MB tiếp tục duy trì cấu trúc đã đặt ra từ năm ngoái, đó là hơn 50% tín dụng MB sẽ tập trung vào bán lẻ. Và gần 50% tín dụng còn lại thì tập trung cho khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
MINH VIỆT (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.