Những nét chính về “nhà băng” quân đội
Theo thông tin tìm hiểu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank), tên tiếng Anh là Military Commercial Joint Stock Bank, là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Thành lập ngày 4/11/1994, MBBank đã không ngừng phát triển thành một tập đoàn tài chính đa năng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ và tài chính tiêu dùng.
Ngân hàng có trụ sở chính đặt tại số 18 Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện nay, MBBank sở hữu mạng lưới hơn 100 chi nhánh, gần 200 điểm giao dịch trên toàn quốc và hiện diện tại một số quốc gia như Lào, Campuchia và Liên bang Nga. Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp số – tập đoàn tài chính dẫn đầu, MBBank đang hướng tới mô hình ngân hàng hiện đại, số hóa và lấy khách hàng làm trung tâm.

Ngân hàng đã trải qua nhiều đợt tăng vốn điều lệ mạnh mẽ nhằm củng cố năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động. Năm 2021, ngân hàng tăng vốn từ gần 28.000 tỷ đồng lên hơn 37.700 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35%. Năm 2022, MBBank tiếp tục chia cổ tức 20%, nâng vốn điều lệ lên trên 45.000 tỷ đồng. Đến năm 2023, ngân hàng phát hành cổ phiếu trả cổ tức 15%, đưa vốn điều lệ lên hơn 52.000 tỷ đồng. Năm 2024, vốn điều lệ tăng nhẹ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP, đạt hơn 53.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2025, MBBank tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và phát hành riêng lẻ, đưa vốn điều lệ vượt mốc 61.000 tỷ đồng (mức tăng này chủ yếu đến từ việc phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% và phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương tăng thêm 620 tỷ đồng vốn điều lệ). Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong năm 2025 ngân hàng dự kiến tiếp tục chia cổ tức 32% bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ để nâng vốn điều lệ lên khoảng 81.368 tỷ đồng.
Kế hoạch lớn nhưng thực hiện còn “èo ọt”
Theo thông tin được, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) vừa công bố nghị quyết thông qua các phương án phát hành trái phiếu thường năm 2025.
Theo đó, MBBank có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 30.000 tỷ đồng trong năm 2025. Trong đó, 10.000 tỷ đồng là trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2, phần còn lại là trái phiếu thông thường không nhằm mục đích bổ sung vốn tự có.
Cụ thể, MBBank sẽ phát hành hai đợt trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng. Đợt 1, MB dự kiến chào bán tối đa 40.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương đương 4.000 tỷ đồng, thực hiện từ tháng 5/2025. Đợt 2, MB sẽ phát hành tối đa 60.000 trái phiếu, tương đương 6.000 tỷ đồng, triển khai từ tháng 6/2025.
Đáng chú ý, cả hai đợt trái phiếu trên có kỳ hạn từ 5 - 10 năm, phát hành theo hình thức riêng lẻ, không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền và được ghi nhận vào vốn cấp 2 theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, ngân hàng cũng lên kế hoạch phát hành tối đa 200.000 trái phiếu thông thường, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu để huy động thêm 20.000 tỷ đồng trong năm 2025. Loại trái phiếu này có kỳ hạn 2 - 3 năm, được chào bán riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp. Tất cả trái phiếu đều được phát hành theo hình thức bút toán ghi sổ.
Kể từ đầu năm 2025 đến nay, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, MBBank đã thực hiện 4 đợt chào bán trái phiếu, trong đó 3 đợt huy động thành công với tổng giá trị 350 tỷ đồng và một đợt phát hành những không thành công. Việc đẩy mạnh kênh huy động trái phiếu được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh MB đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.
Mục tiêu lợi nhuận và thực tế ra sao?
Về kế hoạch lợi nhuận, tại đại hội cổ đông thường niên 2025, MBBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 31.712 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với mức thực hiện năm 2024.
Nhà băng này cũng có kế hoạch tăng tổng tài sản lên gần 1,37 triệu tỷ đồng (tức tăng 21,2%), huy động vốn tăng 23,3%, tín dụng tăng khoảng 23,7% tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,7%.
MB cũng đặt mục tiêu mở rộng tệp khách hàng lên 34-35 triệu người trong năm 2025, hướng tới 40 triệu khách hàng vào năm 2029. Cùng với đó, MB cũng lên kế hoạch góp vốn tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV (tiền thân là OceanBank) - tổ chức đang được chuyển giao bắt buộc. MB kỳ vọng MBV có thể ghi nhận lợi nhuận dương ngay trong năm nay.
Ngân hàng này cũng thông qua kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ, nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn trong năm 2025 hoặc 2026, sử dụng nguồn vốn từ thặng dư vốn cổ phần.
Về thực tế thực hiện, trong Quý I/2025, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng, đạt mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 8.386 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2024. Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ thu nhập lãi thuần đạt 11.692 tỷ đồng, tăng 29%, cùng với sự khởi sắc ở các mảng phi tín dụng như dịch vụ (1.235 tỷ đồng, tăng 40%), kinh doanh ngoại hối (537 tỷ đồng, tăng 16%) và đầu tư chứng khoán (509 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ).
Tổng tài sản hợp nhất của MB tính đến cuối quý I đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2024. Dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt gần 798.000 tỷ đồng, tăng 2,7%, trong khi tiền gửi khách hàng đạt hơn 723.200 tỷ đồng . Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,62% lên 1,84%, với tổng nợ xấu tăng từ 12.586 tỷ đồng lên 14.681 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chất lượng tài sản có dấu hiệu thận trọng hơn. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,62% lên 1,84% vào cuối quý I/2025, với tổng nợ xấu tăng từ 12.586 tỷ đồng cuối năm 2024 lên 14.681 tỷ đồng.
Bên cạnh những thành tựu tích cực, MBB cũng còn một số hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ, đòi hỏi ngân hàng phải nâng cao hơn nữa công tác quản lý rủi ro tín dụng. Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường ngân hàng và yêu cầu đổi mới sáng tạo không ngừng, MBB cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và nhân lực để giữ vững đà phát triển bền vững./.