Khói bốc lên trong giao tranh tiếp diễn giữa quân đội Chính phủ Sudan và lực lượng bán quân sự RSF ở thủ đô Khartoum. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 14/6, các máy bay chiến đấu của quân đội Sudan đã tiến hành các cuộc không kích thành phố El Obeid ở miền Nam nước này, trong bối cảnh cuộc xung đột với Các Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) bán quân sự chuẩn bị bước sang tháng thứ hai, khiến đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Theo các nhân chứng, quân đội Sudan đã thực hiện “các cuộc không kích lần đầu tiên” tại thành phố El Obeid, thủ phủ của bang Bắc Kordofan, cách thủ đô Khartoum 350km về phía Nam.
Thành phố này đã bị RSF bao vây kể từ khi các cuộc đụng độ bùng phát từ giữa tháng 4 vừa qua.
Trong suốt 8 tuần qua, giao tranh chủ yếu tập trung ở thủ đô Khartoum với 5 triệu dân và ở vùng Darfur rộng lớn ở phía Tây.
Các cuộc giao tranh giữa các phe phái đối địch tại Sudan tiếp tục lan rộng bất chấp những nỗ lực làm trung gian hòa giải của Saudi Arabia và Mỹ nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn lâu dài tại quốc gia Đông Phi này.
Này 11/6, các cuộc không kích và pháo kích tiếp tục rung chuyển thủ đô Khartoum của Sudan ngay sau khi lệnh ngừng bắn giữa quân đội với RSF hết hiệu lực.
Trước đó, hai bên tham chiến đã nhất trí ngừng bắn trong 24 giờ, tạo điều kiện cho người dân mắc kẹt do giao tranh có thể ra ngoài để mua nhu yếu phẩm trong ngày 10/6.
Tuy nhiên, các nhân chứng cho biết chỉ khoảng 10 phút sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực vào 6h00 sáng 11/6, thủ đô Khartoum lại chìm trong các cuộc pháo kích và đụng độ.
Theo lời các nhân chứng, giao tranh tiếp diễn tại cả Khartoum và thành phố Omdurman ở phía Bắc, cũng như phố Al-Hawa, một tuyến phố huyết mạch ở phía Nam thủ đô.
Ngày 13/6, Saudi Arabia thông báo sẽ tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ cho Sudan vào ngày 19/6 cùng với các đối tác gồm Qatar, Ai Cập, Đức và Liên minh châu Âu (EU), cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc, nhằm huy động viện trợ nhân đạo để khắc phục hậu quả của cuộc xung đột tại Sudan.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), kể từ khi xung đột bùng phát tại Sudan, khoảng 2,2 triệu người Sudan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trên phạm vi toàn quốc, hơn 1 triệu người phải chạy trốn khỏi Khartoum, trong đó 528.000 người tìm nơi nương náu tại các quốc gia láng giềng.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 25 triệu người, tương đương hơn nửa dân số của Sudan, đang cần được hỗ trợ và bảo vệ. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5, lời kêu gọi quyên góp 2,6 triệu USD cần thiết để Liên hợp quốc góp phần giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này mới chỉ đáp ứng được khoảng 13%.
Tình hình nhân đạo tại Sudan cũng rất nghiêm trọng, khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartroum đã không còn nước sạch, chỉ có điện vài giờ trong tuần.
Hầu hết các bệnh viện tại khu vực chiến sự đều không hoạt động, trong khi các cơ sở cứu trợ thường xuyên bị cướp bóc./.