Mật vụ Mỹ xác định những kẻ có ý định ám sát như thế nào?

Lê Thành Nguyên (Vietnam+)| 22/08/2023 14:59

Vụ việc liên quan tới Robertson, người từng đe dọa ám sát Joe Biden, đã khiến nhiều người quan tâm tới cách thức và quy trình làm việc của an ninh Mỹ, để bảo vệ các chính khách.

Mat vu My xac dinh nhung ke co y dinh am sat nhu the nao? hinh anh 1(Nguồn: abcNews)

Thời gian qua, trên thế giới đã xảy ra một loạt các vụ ám sát chính khách, có cả thành công và thất bại.

Bên cạnh những vụ ám sát thành công, cũng có những vụ ám sát bất thành do có sự can thiệp kịp thời từ các cơ quan chức năng.

Gây chú ý nhiều nhất là trường hợp của ứng viên Tổng thống Ecuador, Fernando Villavicencio, nhân vật đã nhận nhiều lời đe dọa trước khi bị bắn tử vong hôm 9/8, sau một sự kiện vận động tranh cử ở thủ đô Quito.

Cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 6 nghi phạm được cho là có liên quan tới vụ ám sát. Một nghi phạm khác đã chết sau khi đấu súng với lực lượng an ninh.

Ở diễn biến khác, Craig Robertson, người từng nhiều lần đe dọa ám sát Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức Mỹ khác, đã bị bắn hạ vào đầu tháng 8, khi các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thi hành lệnh bắt giữ đối tượng này.

Theo hồ sơ của công tố viên liên bang, ba ngày trước chuyến thăm của ông Biden tới bang Utah, Robertson đã lên mạng xã hội đăng tải bài viết đe dọa ám sát ông. Nhà Trắng cho biết ông Biden đã được thông báo về vụ việc trên.

Vụ việc liên quan tới Robertson đã khiến nhiều người quan tâm tới cách thức và quy trình làm việc của an ninh Mỹ, để bảo vệ các chính khách và yếu nhân khỏi nguy cơ bị ám sát.

Theo các nghiên cứu của Cơ quan Mật vụ Mỹ, mục đích của ám sát thường là mang lại "sự thay đổi" để giải quyết một "bất mãn" nào đó. Sự bất mãn này có thể liên quan đến động cơ chính trị hoặc cá nhân.

Sau khi cố Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát và qua đời vào năm 1963, người kế nhiệm ông là Lyndon B. Johnson đã thành lập Ủy ban Warren.

Ủy ban được giao nhiệm vụ điều tra vụ ám sát ông Kennedy và đã đưa ra một số khuyến nghị cho Cơ quan Mật vụ. Theo đó, cơ quan này cần nhanh chóng mở rộng mạng lưới thông tin "tình báo bảo vệ," tăng cường khả năng thu thập thông tin và cơ chế theo dõi, giám sát các mối đe dọa tiềm tàng để ngăn chặn những vụ ám sát trước khi chúng có thể xảy ra.

Còn theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ và Tạp chí Đánh giá và Quản lý Mối đe dọa, "tình báo bảo vệ" đề cập tới việc chủ động xác định, đánh giá và giảm thiểu các mối đe dọa tiềm tàng có thể xảy ra với một cá nhân.

Mục đích của "tình báo bảo vệ" là nhằm giảm thiểu khả năng đối tượng tình nghi có thể tiếp cận mục tiêu đủ gần để thực hiện một cuộc tấn công, hoặc thậm chí là đưa ra quyết định tấn công hay không.

"Tình báo bảo vệ" không chỉ bao gồm việc đánh giá mối đe dọa tiềm tàng mà còn phân tích các hành động và hành vi của đối tượng để xem xét liệu đối tượng có khả năng gây nên mối đe dọa thực sự hay không.

Theo một cựu nhân viên Mật vụ Mỹ, trước khi áp dụng "tình báo bảo vệ," cơ quan chức năng thường xem xét tới các phát ngôn trong quá khứ của đối tượng tình nghi.

Nếu đối tượng từng tuyên bố sẽ làm hại một ai đó, thì lời nói này được xem là một mối đe dọa.

Năm 1997, Trung tâm Đánh giá Mối Đe dọa Quốc gia thuộc Mật vụ Mỹ đã công bố một nghiên cứu có tên "Ngăn chặn Ám sát." Nghiên cứu chỉ ra một số khuyến nghị giúp hiện đại hóa và phát triển lĩnh vực "tình báo bảo vệ."

Nghiên cứu đã phân tích hành vi của những cá nhân được coi là nguy hiểm, bao gồm xem xét xem liệu đối tượng có tiền sử mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không, hay đối tượng có biểu hiện của sự bất mãn hay không.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan Mật vụ thu thập và phân tích những thông tin của đối tượng tình nghi. Thông tin được nhập vào một hệ thống có tên là Hệ thống Quản lý Mối Đe dọa (PTMS).

Mật vụ Mỹ sử dụng hệ thống này để lưu trữ và ghi lại những dữ liệu có liên quan về các hành vi và sự cố có khả năng gây nguy hiểm.

PTMS giúp cơ quan chức năng xác định các biện pháp cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa, từ việc bắt giữ, tới đề nghị điều trị sức khỏe tâm thần, thậm chí là tạm giữ vì lý do tâm thần hay chỉ định giám định tâm thần bắt buộc, cũng như giới thiệu đối tượng tới các hệ thống hỗ trợ địa phương hoặc các cơ quan liên bang khác.

Bên cạnh đó, Mật vụ Mỹ cũng có thể tiến hành phỏng vấn hoặc giám sát những đối tượng được cho là có khả năng gây nguy hiểm.

Mật vụ Mỹ thường không công bố các số liệu thống kê liên quan đến công tác "tình báo bảo vệ," do lo ngại điều này có thể khuyến khích người khác bắt chước thực hiện các hành vi tương tự.

Tuy nhiên, vào năm 2017, nguyên giám đốc Mật vụ Mỹ Randolph Alles tiết lộ rằng rằng cựu Tổng thống Donald Trump nhận từ 6-8 lời đe dọa mỗi ngày trong 6 tháng đầu thực hiện nhiệm kỳ, xấp xỉ bằng với các cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush khi hai người còn đương chức.

Theo báo cáo năm 2022 của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Mật vụ đang thực hiện công tác bảo vệ đặc biệt với 35 cá nhân.

Mật vụ Mỹ phân tích hành vi dựa trên PTMS để đánh giá, thu thập, đối chiếu tổng hợp và điều phối thông tin về các mối đe dọa tới các bộ phận có liên quan, từ đó có thể theo dõi và vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng./.

Lê Thành Nguyên (Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/mat-vu-my-xac-dinh-nhung-ke-co-y-dinh-am-sat-nhu-the-nao/890398.vnp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mật vụ Mỹ xác định những kẻ có ý định ám sát như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO