Đa dạng hình thức tuyên truyền
Mục tiêu của đề án nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng như huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất đai và quản lý khai thác khoáng sản.
Xác định trách nhiệm trong việc thực hiện đề án, Mặt trận các cấp đã đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động, lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể, với việc tổ chức 23 đợt tuyên truyền cho cán bộ mặt trận cấp cơ sở; đăng tải 125 tin liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đất đai và khai thác khoáng sản trên website; 12 bài trên Thông tin công tác mặt trận; phát hành 200 tờ rơi, treo 78 pano tuyên truyền tại trụ sở MTTQ và nhà văn hóa các thôn, buôn, bon...
Hệ thống Mặt trận từ tỉnh tới cơ sở còn phối hợp tổ chức 215 hoạt động tuyên truyền cho hơn 3.000 lượt người; duy trì hoạt động có hiệu quả 125 nhóm nòng cốt, 18 câu lạc bộ pháp luật, 29 mô hình tuyên truyền cơ sở.
Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, khoáng sản. Cụ thể, Mặt trận các cấp phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 4.864 lần; hội nghị họp dân 173 lần với 7.600 lượt người tham gia; vận động các hộ dân sống gần rừng, ven rừng và các đơn vị chủ rừng ký 3.861 bản cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không mua bán, khai thác, sử dụng trái phép lâm sản.
Toàn tỉnh còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Mặt trận các cấp còn thực hiện hiệu quả quy trình tiếp nhận và xử lý đơn thư phản ánh, tố cáo của người dân, tạo điều kiện tốt nhất và nhanh nhất để người dân phản ánh thông tin tới Mặt trận và chính quyền các cấp. Mặt trận các cấp đã tiếp nhận 127 đơn thư khiếu nại, khiếu kiện chủ yếu liên quan tới lĩnh vực tranh chấp đất đai, đất rừng và tình trạng khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống người dân...
Rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm dựng nhà, trồng cây trái phép. Ảnh: Lê Phước |
Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động tại các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ở các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, TP. Gia Nghĩa, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương.
Kiên quyết xử lý sai phạm
Trong khuôn khổ thực hiện đề án, UBND các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm thiết lập đường dây nóng, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cơ quan chức năng, người dân biết, cung cấp thông tin tố giác các hành vi vi phạm.
Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1891 về thiết lập, công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường, lĩnh vực đất đai, khoáng sản.
Sở TN-MT tiếp nhận và xử lý 773 đơn thư các loại và 70 tin báo về vi phạm quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường. Lực lượng kiểm lâm tiếp nhận 474 tin báo phản ánh, tố giác vi phạm, tội phạm về lĩnh vực lâm nghiệp. Từ ngày 1/1/2019 đến ngày 1/12/2021, lực lượng kiểm lâm phối hợp kiểm tra phát hiện, lập hồ sơ xử lý 2.189 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó, xử lý hành chính 2.106 vụ, tịch thu tang vật, phương tiện không xác định được chủ sở hữu hợp pháp 586 vụ, xử lý hình sự 59 vụ…
Lực lượng kiểm lâm còn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và thi hành kỷ luật trên 89 lượt công chức liên quan các vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật. UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật khiển trách 5 người; cảnh cáo 1 người; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 15 cá nhân và 5 ban lâm nghiệp cấp xã.
Các ban quản lý rừng phòng hộ ban hành quyết định kỷ luật 3 cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng trái pháp luật. Các công ty lâm nghiệp ban hành quyết định kỷ luật 7 cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra phá rừng trái pháp luật.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, sử dụng đất, khoáng sản, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, ban, ngành tổ chức 18 cuộc thanh tra đối với 49 tổ chức. Nội dung thanh tra tập trung vào công tác quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp huyện và việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai, thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của UBND cấp xã.
Qua thanh tra, hầu hết các đơn vị đều có vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất, các vi phạm chủ yếu như thiếu trách nhiệm để rừng bị phá, đất bị lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, tranh chấp đất đai với diện tích lớn, ranh giới sử dụng đất không rõ ràng, cho mượn đất sai quy định, không sử dụng đất trong thời gian dài…
Từ đó, cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi 210 ha đất vi phạm; thu hồi 192 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai quy định; kiểm điểm 4 tập thể và 40 cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai.
Chánh thanh tra Sở TN-MT đã xử phạt và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với 33 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.