Sầu riêng Việt Nam mất thị phần nghiêm trọng tại Trung Quốc
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, lượng sầu riêng nhập khẩu của nước này trong quý I/2025 đạt 39.459 tấn, trị giá 208 triệu USD – giảm tới 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Việt Nam – nhà cung cấp lớn thứ hai – ghi nhận mức giảm kỷ lục 71,3% về sản lượng (chỉ đạt 12.924 tấn) và 74% về kim ngạch (58,7 triệu USD). Hệ quả, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc lao dốc từ 56,4% xuống còn 28,2%. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đánh mất vị thế dẫn đầu vào tay Thái Lan kể từ khi chính thức xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Ngược lại, Thái Lan – đối thủ cạnh tranh lớn nhất – vẫn giữ vững vị trí số một với 26.157 tấn xuất khẩu, đạt 145,5 triệu USD. Dù cũng giảm nhẹ về lượng và giá trị, Thái Lan lại ghi nhận sự tăng mạnh về thị phần, từ 42,4% lên đến 69,9%.

Ngoài hai nguồn cung chính, Trung Quốc chỉ nhập một lượng nhỏ từ Malaysia và Philippines.
Một yếu tố đáng chú ý khác là giá xuất khẩu bình quân của cả hai nước đều giảm: Việt Nam giảm 10,8% xuống còn 5.561 USD/tấn, Thái Lan giảm 9,5% còn 4.538 USD/tấn.
Nguyên nhân và phản ứng từ hai phía
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh là quy định kiểm soát chất lượng mới từ phía Trung Quốc. Từ ngày 10/1/2025, Bắc Kinh yêu cầu tất cả lô hàng sầu riêng Việt Nam phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O (Basic Yellow 2 - BY2) – một chất nhuộm có nguy cơ gây ung thư. Quy trình kiểm tra kéo dài khiến hàng dễ hư hỏng, nhiều doanh nghiệp đành phải rút hàng về tiêu thụ trong nước, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.
Trong khi đó, Thái Lan chủ động phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Các trạm kiểm soát biên giới được kéo dài thời gian hoạt động 24/24 giờ, số lượng phòng thí nghiệm kiểm định BY2 cũng được Trung Quốc công nhận lên tới 9 đơn vị, giúp quá trình thông quan thuận lợi hơn. Thái Lan thậm chí còn đề xuất công nhận thêm phòng thí nghiệm tại tỉnh Chachoengsao.
Ngoài ra, Thái Lan triển khai các chiến dịch xúc tiến thương mại quy mô lớn. Bộ Thương mại nước này đã hợp tác với Taiyuan Lao Ge – một người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội Trung Quốc – tổ chức sự kiện livestream bán hàng với mục tiêu phá kỷ lục tiêu thụ gần 1 tỷ baht trong một ngày. Đây là nỗ lực để tăng cường hiện diện trái cây Thái Lan trên nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.

Việt Nam họp khẩn và xây dựng chiến lược ứng phó
Trước tình hình xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng, ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp khẩn, đề ra các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài cho ngành hàng này.
Về ngắn hạn, Bộ sẽ phối hợp với phía Trung Quốc tháo gỡ các rào cản kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và phòng thí nghiệm được công nhận phục vụ xuất khẩu. Một quy trình kiểm dịch thực vật mới cũng sẽ được ban hành để tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật rõ ràng hơn.
Về dài hạn, Bộ trưởng đề nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến xuất khẩu nông sản, chuẩn hóa chuỗi sản xuất – chế biến – kiểm nghiệm – đóng gói, từ đó tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững hơn.
Thống kê cho thấy, năm 2024, Việt Nam thu về 3,2 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng, trong đó Trung Quốc chiếm tới 2,9 tỷ USD – tương đương 91%. Với quy mô nhập khẩu lên đến 7 tỷ USD trong năm 2024, Trung Quốc chiếm 95,4% tổng nhu cầu sầu riêng toàn cầu – là thị trường không thể thay thế trong ngắn hạn.
Sự sụt giảm thị phần tại Trung Quốc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với ngành sầu riêng Việt Nam, vốn đang phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất. Trong khi Thái Lan tăng tốc cả về chính sách, kỹ thuật và truyền thông để tận dụng mùa vụ, Việt Nam cần nhanh chóng củng cố nội lực và chiến lược dài hơi nếu không muốn đánh mất thị phần đã từng chiếm lĩnh.