Robot bốc xếp sản phẩm sữa tươi của Tập đoàn Yili, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: HỒ QUÂN) |
Hiện nay, robot là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống sản xuất hiện đại, là công cụ quan trọng để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đời sống kinh tế-xã hội, góp phần đưa thế giới tiến nhanh vào kỷ nguyên AI.
Cùng với sự phát triển đồng bộ của các lĩnh vực công nghệ số, dữ liệu lớn, lĩnh vực máy học..., robot đã được phát triển các đặc tính như kết nối người-máy, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, tương tác đa chiều.
Những năm gần đây, ngành chế tạo robot của Trung Quốc có bước phát triển mạnh mẽ, quy mô sản xuất không ngừng mở rộng. Sản lượng robot công nghiệp, robot dịch vụ, robot đặc thù liên tục tăng trưởng. Doanh thu ngành chế tạo robot của nước này năm 2022 vượt 170 tỷ nhân dân tệ (hơn 23,94 tỷ USD), và luôn duy trì mức tăng trưởng hai con số.
Năm 2022, sản lượng robot công nghiệp của Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu, và trong 6 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 222.000 robot, tăng 5,4% so cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ robot trong ngành chế tạo của Trung Quốc đạt 392 robot/10.000 công nhân. Trước đó, trong năm 2022, tỷ lệ này của Trung Quốc là 322, xếp sau Hàn Quốc (1.000), Singapore (670), Nhật Bản (399) và Đức (397).
Hiện tại, robot công nghiệp đã “phủ sóng” ở 60 ngành, nghề với hơn 168 phân ngành sản xuất trong nền kinh tế của Trung Quốc, như logistics, nông nghiệp, dịch vụ, y tế, xây dựng... Thí dụ như: robot phân loại hàng hóa ở kho hàng của các công ty vận chuyển; máy phun thuốc trừ sâu tự động; máy hái hoa quả tự động; robot giao đồ tận cửa phòng ở khách sạn...
Tại một doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu châu Á, Tập đoàn Yili đã áp dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo trong 32 dây chuyền sản xuất sữa tươi với công suất 6.500 tấn/ngày, robot đã đảm nhận các khâu sản xuất, kiểm tra sản phẩm, đóng hộp, đóng gói, áp mã, từ đó hình thành xưởng sản xuất thông minh không có công nhân, mà chỉ có kỹ thuật viên giám sát quy trình vận hành dây chuyền, thiết bị.
Một góc dây chuyền đóng gói sản phẩm sữa tươi của Tập đoàn Yili, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: HỒ QUÂN) |
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang tập trung triển khai Chương trình ứng dụng “Robot+”, trong đó đẩy nhanh việc ứng dụng robot vào hoạt động cụ thể trong cuộc sống để phục vụ người dân; khuyến khích mở rộng ứng dụng robot sang các lĩnh vực mới để đáp ứng nhu cầu thực tế của các ngành nghề; thúc đẩy đột phá về chế tạo robot cao cấp, linh phụ kiện quan trọng và phần mềm công nghệ liên quan; xây dựng chuỗi ngành sản xuất robot và các trung tâm thử nghiệm robot cấp quốc tế...
Đây là một bước cụ thể hóa “Quy hoạch phát triển ngành robot” được ban hành cuối năm 2021. Theo đó, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành nơi sáng tạo công nghệ robot, nơi tập trung của ngành sản xuất chất lượng cao và nơi ứng dụng tích hợp công nghệ của thế giới.
Mật độ robot được đo bằng số lượng robot trên 10.000 công nhân sản xuất, là chỉ số chính để đo lường mức độ tự động hóa và sản xuất thông minh của một quốc gia.