Mạo danh Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhắn tin mượn tiền Chủ tịch UBND huyện
Ông Hồ Văn Mười, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay khi nghe lãnh đạo các địa phương phản ánh có kẻ mạo danh ông trên mạng xã hội để lừa đảo vay mượn tiền, ông đã chỉ đạo công an điều tra, xử lý nghiêm.
Chiều 16/10, đại tá Bùi Quang Thanh, giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết đã chỉ đạo điều tra, xử lý những tài khoản mạo danh chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và các lãnh đạo tại địa phương này để lừa đảo.
Thấy Zalo chủ tịch tỉnh Đắk Nông nhắn mượn tiền, bí thư huyện gọi điện hỏi cho chắc
Ông Thanh cho biết đã giao Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) tập trung xử lý những chủ tài khoản mạo danh lãnh đạo tỉnh để lừa vay tiền.
Nói về việc này, ông Hồ Văn Mười, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết năm 2022, khi nghe cán bộ, đảng viên các địa phương phản ánh việc nhận tin nhắn vay tiền từ tài khoản Zalo có hình ảnh ông, ông đã chỉ đạo công an tỉnh vào cuộc điều tra.
Vào năm 2022, PA05 Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện hai tài khoản Zalo ghi tên và chứa hình ảnh lãnh đạo tỉnh này nhắn tin vay tiền nhiều người. Trong số này, có một tài khoản có tên, chức vụ và lấy hình ảnh ông Mười làm hình đại diện.
Tài khoản này nhắn tin cho ông Nguyễn Tấn Bi, bí thư Huyện ủy Krông Nô (Đắk Nông) - để vay tiền. Cảnh giác trước việc lạ đời này, ông Bi gọi điện hỏi ông Mười thì mới biết không có chuyện "chủ tịch tỉnh mượn tiền bí thư huyện".
Ông Hồ Văn Mười nói tình trạng giả danh lãnh đạo tỉnh, trung ương để lừa đảo xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều thủ đoạn. Đây là việc vi phạm pháp luật, gây mất uy tín lãnh đạo nên công an sẽ vào cuộc để điều tra, xử lý.
Đối với việc kẻ xấu dùng tên, hình ảnh của ông trên tài khoản Zalo để vay tiền lãnh đạo, cán bộ các địa phương cũng đã được điều tra để xử lý. Cạnh đó, tỉnh đã có những khuyến cáo để lãnh đạo, cán bộ các ngành, địa phương cảnh giác.
Nhiều người bị kẻ mạo danh lãnh đạo hỏi mượn tiền
Liên quan đến việc này, ông Bùi Ngọc Sơn, chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết khi ông Bi nhận được tin nhắn vay tiền có trao đổi lại với nhiều cán bộ khác thì được biết họ cũng bị tài khoản "Hồ Văn Mười" nhắn tin hỏi mượn tiền.
"Huyện đã khuyến cáo ngay để cán bộ, đảng viên không mắc bẫy", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng từng là "nạn nhân" của nạn mạo danh hỏi mượn tiền cấp dưới. Cụ thể, năm 2019, kẻ xấu đã chiếm tài khoản Facebook của ông Sơn rồi đi mượn tiền 3 người, chiếm đoạt 90 triệu đồng.
Sau vụ việc này, huyện đã phát cảnh báo: không có chuyện lãnh đạo huyện dùng Zalo, Facebook nhắn tin vay tiền khắp nơi như vậy, để nhân dân, cán bộ cảnh giác.
"Nếu nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ lãnh đạo cấp trên hỏi mượn tiền thì phải cảnh giác, kiểm tra kỹ tránh bị mất tiền oan, ảnh hưởng uy tín cấp trên", ông Sơn nói.
Lãnh đạo Phòng PA05 Công an tỉnh Đắk Nông cho hay sẽ thống kê về việc xử lý các hành vi vi phạm như phương thức, thủ đoạn… của nhóm lừa đảo để báo chí thông tin rộng rãi, giúp cán bộ, nhân dân nâng cao cảnh giác.