Y tế - Sức khỏe

“Mạnh tay” để bảo đảm an toàn thực phẩm

Ngô Đồng 18/05/2023 06:11

Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là mối quan tâm đặc biệt của dân, các cấp chính quyền và ngành chức năng liên quan. Không ít địa phương thể hiện quyết tâm bằng nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, để bảo đảm vệ sinh ATTP cần phải “mạnh tay” hơn trong xử lý.

ADQuảng cáo

Từ tháng 11/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 33 Quy định phân cấp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, UBND cấp huyện là cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn mình.

Trong đó, UBND cấp huyện được trao quyền và thực thi hàng loạt nhiệm vụ như tổ chức quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn; tổ chức thực hiện ký cam kết hoặc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP…

dsc09390(1).jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa

Mặc dù đã được phân cấp, nhưng công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn còn xảy ra nhiều nơi. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng còn diễn biến phức tạp, khó quản lý. Vấn đề kiểm tra chất lượng ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ còn hạn chế…

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do thiếu sự tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng quản lý ATTP ở một số địa phương. Mặt khác, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực ATTP ở các cơ quan, địa phương còn thiếu nhiều so với yêu cầu.

ADQuảng cáo

Ở tuyến huyện, thành phố chưa có biên chế chuyên trách quản lý ATTP thuộc ngành Công thương. Tuyến xã chưa có biên chế chuyên trách làm công tác ATTP mà chủ yếu là kiêm nhiệm... nên việc nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin chưa kịp thời, hiệu quả còn thấp.

attp-3(1).jpg
Kiểm tra vệ sinh ATTP tại các bếp ăn tập thể ở các trường tổ chức ăn bán trú trên địa bàn huyện Đắk Song

Đi đôi với đó, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu trên tất cả các tuyến, các ngành. Đặc biệt là phòng kiểm nghiệm, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ lấy mẫu, kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh các chỉ tiêu ATTP đối với sản phẩm thực phẩm. Sự phối hợp triển khai bảo đảm ATTP ở một số địa phương, nhất là tuyến xã chưa thường xuyên, mới chỉ tập trung vào dịp trọng điểm. Kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo đảm ATTP của một số địa phương bố trí rất ít.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Đắk Nông, vấn đề bảo đảm ATTP tuy không mới, nhưng luôn là nỗi lo thường trực của người sử dụng. Vì vậy, để thay đổi hành vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đòi hỏi các cấp quản lý nhà nước cần phải luôn có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Khi đã được phân cấp, chính quyền địa phương có quyền quyết định, được “mạnh tay” hơn trong việc quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm".

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Đắk Nông

Do đó, các địa phương cần chủ động trong xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai các giải pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, ngành chức năng, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt đủ mạnh, nghiêm khắc để tạo sức răn đe cần thiết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mạnh tay” để bảo đảm an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO