Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch AustraliaAustralia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt NamViệt Nam - Australia: Kỳ vọng "gặt hái" thành công mới trong khoa học công nghệXây dựng thương hiệu, đa dạng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Australia |
Được ví như “cánh tay nối dài” của Bộ Công Thương ở khu vực nước ngoài, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong những năm qua được đánh giá là thực hiện khá tốt nhiệm vụ kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống các Thương vụ đã chủ động phát hiện và phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản thương mại bảo vệ và là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.
Để đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước, từ tháng 7/2022, ngành Công Thương đã định kỳ hàng tháng tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước. Đây là hoạt động được lãnh đạo Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm và chú trọng.
Nhiều lần Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chủ trì Hội nghị và có những chỉ đạo tới các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Đặc biệt, Bộ trưởng cũng chỉ đạo hệ thống Thương vụ phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình và kết quả hoạt động ở các nước sở tại.
Điểm nhấn trong các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương là các sự kiện quảng bá “Made in Viet Nam 2023 tại Australia” do Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chủ trì phối hợp với Thương vụ tổ chức |
Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công Thương giao, trong 9 tháng năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp trong nước và tại địa bàn phụ trách.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, hai nước Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do. Do vậy, đây là cầu nối thúc đẩy Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường này, nhất là nhóm nông sản, thực phẩm đông lạnh, dệt may... Ngược lại, nhiều sản phẩm nông sản của Australia cũng đang được thúc đẩy vào Việt Nam và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia, Thương vụ đã chủ động, phối hợp triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, mở ra các cơ hội hợp tác, giao lưu mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thương vụ cho rằng, điểm nhấn trong các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương là các sự kiện quảng bá “Made in Viet Nam 2023 tại Australia” do Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chủ trì phối hợp với Thương vụ triển khai trong khuôn khổ chương trình Ngoại giao kinh tế năm 2023.
Sự kiện “Made in Viet Nam” không chỉ có ý nghĩa quảng bá xuất xứ, thúc đẩy xuất khẩu, mà còn vận động các doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam, sản xuất các sản phẩm Việt Nam, nhằm tạo động lực tăng trưởng thương mại giai đoạn mới, sau khi đã hoàn thành vượt mục tiêu kim ngạch đề ra.
Chương trình “Made in Viet Nam 2023” được kỳ vọng tạo động lực cho tăng trưởng thương mại giai đoạn mới giữa hai nước Việt Nam - Australia |
Theo đó, trong suốt 9 tháng năm 2023, Thương vụ đã nhiều lần tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Made in Viet Nam 2023" tại Australia. Điển hình, từ ngày 30/4 - 2/5, phối hợp tổ chức triển lãm 100 mặt hàng nông thủy sản có thế mạnh của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế lớn nhất Australia; tổ chức các sự kiện dùng thử nông sản như: Dùng thử dứa cấp đông, chuối cấp đông, mít chuối cấp đông, chanh leo cấp đông, sầu riêng cấp đông, thực phẩm ăn liền...
“Dứa, chuối, mít, chanh leo là ngành nông nghiệp có giá trị cao tại Australia và hiện Australia chưa mở cửa thị trường với các mặt hàng này của Việt Nam. Việc chủ động triển khai dùng thử và tìm phân khúc cho các sản phẩm cấp đông là một hướng đi để mở ra dư địa thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, Thương vụ thông tin và cho biết, với các sản phẩm ăn liền (ví dụ như phở ăn liền) nếu tiếp thị thành công có thể mở ra một mặt hàng mới phù hợp với tiêu dùng nhanh. Trong khi đó, sầu riêng cấp đông sau thời gian nỗ lực xúc tiến, đã có chỗ đứng tại thị trường Australia.
Cùng với các hoạt động kể trên, thời gian qua, Thương vụ cũng phối hợp tổ chức phát động Tuần lễ quảng bá Made in Viet Nam tại Melbourne hồi tháng 5/2023, ở các lĩnh vực: Công nghiệp phụ trợ, năng lượng...
“Bên cạnh việc phối hợp, tổ chức chương trình quảng bá “Made in Viet Nam 2023”, Đại sứ và các cán bộ của Đại sứ quán cũng như Thương vụ đều đặt trọng tâm kêu gọi các doanh nghiệp Australia thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam vì sản phẩm "Made in Viet Nam" có nhiều lợi thế về chi phí sản xuất và tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại” - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa dư địa thị trường Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Cùng với đó, quảng bá, xây dựng hình ảnh, định hướng thị trường về sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng để sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường Australia. Ngoài ra, việc thiết lập hàng rào bảo vệ các tài sản trí tuệ cũng là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm để tránh những tranh chấp đáng tiếc xảy ra khi hợp tác với các đối tác tại Australia.