Đại sứ Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Madagascar Phạm Hoàng Kim trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Andry Rajoelina. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)
Tại thủ đô Antananarivo, Cộng hòa Madagascar, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Madagascar Phạm Hoàng Kim đã trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Andry Rajoelina.
Buổi lễ diễn ra trang trọng sáng 17/5 tại Phủ Tổng thống với sự tham dự của các quan chức cấp cao Phủ Tổng thống và Bộ Ngoại giao Madagascar.
Tại buổi tiếp thân mật sau Lễ trình Thư ủy nhiệm, Tổng thống Andry Rajoelina gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, khẳng định Madagascar luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghiệp và kỹ thuật.
Đánh giá cao quan hệ song phương hữu nghị, truyền thống và lâu đời giữa hai nước, Tổng thống Andry Rajoelina mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, cũng như tăng cường đầu tư vào Madagascar.
Tổng thống nhấn mạnh, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2023), đây sẽ là những bước tích cực để thúc đẩy hợp tác song phương đi vào chiều sâu trong thời gian tới.
Nhân dịp này, trong các ngày từ 17-19/5, Đại sứ Phạm Hoàng Kim đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Phát triển Công nghiệp, Thương mại và Tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi, Thị trưởng thành phố Antananarivo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Madgascar, cùng bà con cộng đồng người Madagascar gốc Việt.
Trao đổi tại các cuộc gặp, phía Madagascar bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, ngưỡng mộ sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, nhất trí hai nước tới đây cần đẩy mạnh quảng bá, tăng cường trao đổi đoàn để thúc đẩy quan hệ song phương.
Hai bên cam kết tăng cường triển khai các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, trong đó có việc nghiên cứu khả năng ký kết Hiệp định miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, mở lại Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Madagascar, tăng cường trao đổi thiết lập các kênh thông tin về xuất nhập khẩu, tổ chức hội chợ thương mại, đẩy mạnh trao đổi các đoàn xúc tiến thương mại.
Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Madagascar cho biết sẽ sớm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam dự thảo Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong khi đó, Thị trưởng Antananarivo cũng sẽ gửi dự thảo MOU về hợp tác, kết nghĩa giữa hai thành phố Hà Nội và Antananarivo để phía Việt Nam xem xét và ký kết trong thời gian tới.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ Phạm Hoàng Kim đã có buổi gặp gỡ, thăm hỏi đại diện cộng đồng người Madagascar gốc Việt đang sinh sống và làm việc tại sở tại.
Đại sứ thông tin cho bà con về tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở trong nước, phổ biến chủ trương chính sách liên quan đến người Việt ở nước ngoài, động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau, luôn hướng về quê hương, đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và 112 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2023), Đại sứ Phạm Hoàng Kim cùng đại diện cộng đồng người Madagascar gốc Việt đã dâng hương tưởng niệm Hồ Chủ tịch tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Antananarivo.
Đại sứ Phạm Hoàng Kim cùng đại diện cộng đồng người Madagascar gốc Việt dâng hương tưởng niệm Hồ Chủ tịch tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Antananarivo. (Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN)
Quảng trường Hồ Chí Minh - nơi đặt tượng Bác Hồ với bia đá khắc dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập và tự do” bằng 3 thứ tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng địa phương, được xây dựng vào năm 2003 và tôn tạo vào năm 2014, là một trong số ít địa danh mang tên Hồ Chí Minh tại châu Phi, thể hiện tình cảm của nhân dân các nước châu lục dành cho Hồ Chủ tịch.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người cũng đã đến Madagascar trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville năm 1911.
Chứng kiến cảnh người dân Madagascar cũng giống người dân Việt Nam đang chịu cực khổ dưới ách thực dân, Người đã phát hiện ra chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai loại người: loại người bóc lột và người bị bóc lột."
Sau đó, tại Paris (Pháp) trong những năm 1920, Người cũng đã sát cánh cùng các nhà cách mạng tiền bối của Madagascar - Jean Ralaimongo và Samuel Stephanie - tổ chức và lãnh đạo Hội liên hiệp Thuộc địa, ra báo Người cùng khổ, tuyên truyền cách mạng tại các thuộc địa.../.