Gia đình chị Thị Ý, người M’nông, ở bon Bu Prăng, xã Quảng Trực có 2 ha đất trồng cà phê. Năm 2010, Thị Ý trồng xen 200 cây mắc ca trong vườn cà phê này. Nhờ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, nên 200 cây mắc ca phát triển tốt.
Khi mắc ca cho thu hoạch, Thị Ý đã liên kết với HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực để được bao tiêu đầu ra. HTX còn hỗ trợ chị quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch mắc ca để đạt hiệu quả cao.
Mỗi vụ mắc ca, chị thu hoạch được khoảng hơn 1 tấn quả, bán với giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Nhiều năm qua, cây mắc ca đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị.
Còn bà Thị Doanh, ở bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực, có 250 cây mắc ca trồng được 7 năm. Hiện nay, vườn mắc ca của bà đang cho thu hoạch mỗi vụ hơn 1 tấn quả.
Theo bà Doanh, nhờ nắm vững các kỹ thuật chăm sóc, nên vườn mắc ca đạt năng suất cao. Mỗi năm, mắc ca cho thu hoạch 2 vụ, bà bán với giá từ 95.000 - 120.000 đồng/kg. Bà cũng tham gia HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực để được bao tiêu đầu ra sản phẩm.
HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực được thành lập năm 2017, có vùng nguyên liệu mắc ca 230 ha. HTX hiện có 140 thành viên, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc M’nông.
Mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 120 tấn mắc ca thô, 15 tấn mắc ca đã qua chế biến, đóng gói. Ngoài thu hoạch, các thành viên còn tham gia chế biến mắc ca trong HTX và được trả lương theo ngày công lao động.
"Mắc ca M’nông" đạt OCOP hạng 3 sao |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, nhiều năm qua, đơn vị đã chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, đưa sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn OCOP.
HTX đã áp dụng quy trình sản xuất mắc ca theo hướng VietGAP. Đến năm 2020, HTX có hơn 70 ha mắc ca của 42 hộ (sản lượng gần 25 tấn/năm) đạt chứng nhận VietGAP.
Sau khi có sản phẩm tốt, HTX đầu tư mua máy tách vỏ, máy sấy hạt, chế biến các sản phẩm mắc ca chất lượng cao. HTX còn dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã QR – code.
Năm 2020, sản phẩm "Mắc ca M’nông" của HTX được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao. "Đây là bước tiến dài của HTX. Ngoài việc nâng tầm giá trị sản phẩm, việc đạt chứng nhận OCOP cũng mang lại niềm tự hào cho người trồng mắc ca trên địa bàn", ông Tuấn chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm mắc ca chế biến của HTX khi bán ra thị trường có giá cao hơn từ 100.000 - 125.000 đồng/kg so với sản phẩm thô. Phần lớn sản phẩm mắc ca của HTX đều bán được với giá 225.000 - 250.000 đồng/1 kg. Ngoài thị trường trong nước, HTX cũng tiếp cận được với thị trường tỉnh Mondulkiri (Campuchia) để xuất khẩu mắc ca.
Theo ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, "Mắc ca M'nông" là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã. Đây là sản phẩm chất lượng cao có nguồn gốc từ vùng nguyên liệu tại địa phương, do hầu hết người M'nông sản xuất.
Nhiều năm qua, mắc ca là cây trồng chủ lực của xã Quảng Trực. Thương hiệu của sản phẩm này đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Chính quyền địa phương đang rất quan tâm, hỗ trợ tích cực cho người dân, HTX để đưa sản phẩm đặc trưng này phát triển theo hướng thương mại.