Kinh tế

Mắc ca cần quy trình chuẩn để "định vị" bền vững ở Đắk Nông

Hưng Nguyên 05/09/2023 05:00

Người trồng mắc ca đang thiếu nguồn giống chất lượng. Bà con cũng chưa có quy trình sản xuất mắc ca phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế.

ADQuảng cáo
macca(1).jpg
Mắc ca đang từng bước khẳng định những lợi thế ở Tuy Đức

Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã dần định hình vùng sản xuất mắc ca quy mô lớn. Mắc ca đã góp phần phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp của xã.

Nhờ mắc ca, rất nhiều lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có thêm sinh kế. Nhiều hộ gia đình kinh tế khá giả nhờ trồng loại cây này.

8 năm trước, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình chị Thị Bem, bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực, đã chuyển đổi 3 ha cà phê, điều kém hiệu quả sang trồng mắc ca.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, gia đình chị Thị Bem đã có thu nhập cao từ cây mắc ca. Vườn mắc ca của gia đình chị đạt sản lượng trung bình từ 3-4 tấn/ha. Nhờ mắc ca, gia đình chị Thị Bem có của ăn của để, trở thành hộ khá tại địa phương.

Tuy nhiên, cây mắc ca vẫn đang khiến gia đình chị Thị Bem lo lắng vì thu nhập không ổn định. Theo chị, giống là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hiệu quả kinh tế của cây mắc ca.

Tình trạng một số cây mắc ca ít trái, trái nhỏ khiến hiệu quả kinh tế giảm. Bên cạnh đó, việc mắc ca không đậu quả ở một số mùa vụ gần đây khiến người trồng mắc ca như chị Thị Bem rất lo lắng.

Xã Quảng Trực đã phát triển được 1.330 ha mắc ca. Vùng mắc ca này có quy mô lớn nhất huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông hiện nay. Quảng Trực được xác định là vùng đất phù hợp với loại cây trồng này.

ADQuảng cáo

Những năm gần đây, cây mắc ca đã góp phần tạo nguồn thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, mang lại kinh tế cho nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cơ quan chức năng đánh giá, cây mắc ca phù hợp với mọi điều kiện tại vùng đất Quảng Trực. Loại cây này cũng phù hợp với tập quán canh tác của người dân tộc thiểu số. Mắc ca đã thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển sản xuất.

macca(1).png
Mắc ca đang tạo nguồn thu nhập và thay đổi tập quán canh tác của người dân vùng biên giới Tuy Đức.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, để mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế, đòi hỏi người trồng phải chọn được giống tốt, giống chuẩn, phù hợp với tiểu vùng khí hậu.

Cây mắc ca được xem là cây nông lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, nên có rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu, có định hướng trong sản xuất mắc ca để nó trở thành cây công nghiệp có hiệu quả tốt nhất.

Cũng theo ông Anh, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, lựa chọn các giống mắc ca phù hợp với tiểu vùng khí hậu ở Tuy Đức.

"Cần xây dựng một quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến... mắc ca. Tư đó, cây mắc ca sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, nâng cao đời sống cho người dân", ông Đoàn Lê Anh bày tỏ.

Huyện Tuy Đức hiện có 3.126 ha mắc ca, trong đó có khoảng 1.640 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 2.500 tấn/năm. Cây mắc ca được trồng tập trung tại 3 xã được xác định là thích hợp nhất là Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Búk So. Mắc ca được phát triển với 2 phương thức trồng thuần và trồng xen với các loại cây khác.

Không chỉ ở Tuy Đức, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang chờ ngành chức năng có những đánh giá về giống mắc ca tại tiểu vùng khí hậu cụ thể. Người dân mong muốn ngành chức năng xây dựng quy trình chăm sóc mắc ca phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, bà con kỳ vọng cơ quan chức năng sớm có những hướng dẫn cải tạo các giống mắc ca đã thoái hóa, kém chất lượng. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất mắc cao cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mắc ca cần quy trình chuẩn để "định vị" bền vững ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO