Ngày 7/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi).
Tại Phiên họp Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói về những quy định liên quan đến đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp.
Trong đó, dự thảo luật đề xuất rút gọn xuống còn 2 ngạch thẩm phán (gồm thẩm phán và thẩm phán TAND tối cao) thay vì 4 ngạch như hiện hành (thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp và TAND tối cao).
Theo ông Bình, đề xuất này xuất phát từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi chỉ quy định 1 ngạch thẩm phán và các thẩm phán bình đẳng với nhau. Đây còn là ý nguyện của gần 6.000 thẩm phán công tác ở các tòa án cấp huyện.
“Có nhiều người từ khi vào ngành đến khi nghỉ hưu, suốt đời vẫn là thẩm phán sơ cấp. Trong khi, người dân thì nói thẩm phán sơ cấp xử không tin được, phải thẩm phán cao cấp xử mới tin”, ông Bình chia sẻ.
Giải thích bậc của thẩm phán, ông Bình cho hay, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc, tham khảo quy định của lực lượng vũ trang.
Dự thảo luật quy định Chánh án TAND tối cao giữ bậc cao nhất trong ngạch thẩm phán TAND tối cao. Thẩm phán TAND tối cao có 3 bậc (từ bậc 1 đến bậc 3; thời gian nâng bậc là 5 năm). Thẩm phán có 9 bậc từ bậc 1 đến bậc 9.
Chánh án TAND tối cao cũng chia sẻ nhiều vướng mắc từ thực tiễn như bổ nhiệm Phó Chánh án TAND tối cao, luật hiện hành quy định là phải lấy từ thẩm phán TAND tối cao.
Dự thảo mở ra lấy từ nguồn thẩm phán TAND tối cao hoặc các thẩm phán đáp ứng đủ các điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao, nhưng quy định này hiện còn ý kiến khác nhau.
“Nhiều bộ, ngành, giám đốc các sở được bổ nhiệm làm thứ trưởng. Viện kiểm sát cũng cho phép bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao từ Viện trưởng Viện KSND Cấp cao, sau đó hoàn chỉnh kiểm sát viên tối cao. Riêng Chánh án địa phương không thể bổ nhiệm được làm Phó Chánh án TAND tối cao”, ông Nguyễn Hòa Bình mong các đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành Toà án trong thực tiễn.