Lục địa Đen: Trọng tâm của hành động khí hậu đang thay đổi đáng kể

Hồng Minh (TTXVN/Vietnam+)| 07/09/2023 15:26

Các nhà lãnh đạo châu Phi đang muốn chứng minh rằng các quốc gia châu Phi là giải pháp hiệu quả nhất trên thế giới đối với vấn đề biến đổi khí hậu - và hiện đang đi đầu trong hành động về khí hậu.

Luc dia Den: Trong tam cua hanh dong khi hau dang thay doi dang ke hinh anh 1Tổng thống Kenya William Ruto (giữa, phía trước) cùng lãnh đạo các quốc gia trong cuộc họp báo bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu châu Phi lần thứ nhất tại Nairobi, ngày 6/9. (Ảnh: AA/TTXVN)

Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của châu Phi về Biến đổi Khí hậu được tổ chức tại thủ đô Nairobi của Kenya trong tuần này đã chứng minh rõ ràng rằng trọng tâm của hành động khí hậu thực sự đang thay đổi đáng kể.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Nairobi, tài liệu nêu bật tính dễ bị tổn thương của châu Phi trước cuộc khủng hoảng khí hậu và kêu gọi những hành động tham vọng và tiến bộ hơn từ các nước phát triển.

Các nhà lãnh đạo đã hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ "Lục địa Đen" thông qua đầu tư vào chương trình nghị sự khử carbon.

Tuyên bố kêu gọi các quốc gia “mời các đối tác phát triển từ cả Nam và Bắc Bán cầu sắp xếp và điều phối các nguồn lực tài chính và kỹ thuật của họ hướng tới châu Phi nhằm thúc đẩy việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên để lục địa này tiến tới phát triển carbon thấp và góp phần vào việc khử carbon toàn cầu."

Ngoài Tuyên bố Nairobi, tại hội nghị, các nước châu Phi còn nhận được cam kết về khoản đầu tư 23 tỷ USD từ nhiều bên liên quan. Các quỹ sẽ hướng tới “Tăng trưởng Xanh, giảm thiểu và thích ứng” trên khắp "Lục địa Đen."

Các cam kết bao gồm sáng kiến trị giá 4,5 tỷ USD của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), với mục tiêu tạo ra 15GW năng lượng sạch ở châu Phi vào năm 2030.

Theo Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi, mặc dù các quốc gia châu Phi vẫn nằm trong danh sách gây ô nhiễm carbon ít nhất thế giới, chỉ đóng góp 10% lượng khí thải toàn cầu, nhưng khu vực này cũng đang trên đà trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong nhiều thập niên.

Đây là lý do tại sao tuyên bố chung của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) - tổ chức liên chính phủ gồm 55 thành viên, với Chính phủ Kenya và Chủ tịch COP28 (Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Tiên tiến UAE Sultan Ahmed Al-Jaber) về “tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo” và “hiệu quả năng lượng gấp đôi” vào năm 2030 là một bước tiến quan trọng.

Hội nghị Thượng đỉnh Nairobi không chỉ đánh dấu lần đầu tiên các nước châu Phi cùng tuyên chiến với biến đổi khí hậu bằng một tiếng nói. Đây còn là lần đầu tiên một cam kết cụ thể về năng lượng sạch được đưa ra bàn thảo ở mức độ cao như vậy. Mặc dù cam kết này vẫn chưa có hiệu lực như một thỏa thuận mang tính ràng buộc toàn châu Phi, với một số quốc gia thành viên vẫn có ý kiến phản đối, nhưng Ủy ban AU chưa bao giờ công khai tán thành một ý tưởng táo bạo như vậy.

Tất nhiên, chỉ đưa ra một tuyên bố thôi là chưa đủ. Không có tuyên bố nào, dù tham vọng đến đâu, trở nên có ý nghĩa nếu không có được hỗ trợ về tài chính.

Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới cần xây dựng lộ trình giải quyết thảm họa khí hậu thông qua tài chính khí hậu. Ở đây, có thể nhắc tới vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Luc dia Den: Trong tam cua hanh dong khi hau dang thay doi dang ke hinh anh 2Chủ tịch COP28 Sultan Al-Jaber phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh châu Phi về khí hậu 2023 ở Nairobi, Kenya ngày 5/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một báo cáo gần đây của Tập đoàn Zenizeni Sustainent Finance cho thấy các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc) cần 1.300 tỷ USD vào năm 2025 và 3.500 tỷ USD vào năm 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và khí hậu trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục, cơ sở hạ tầng bền vững và chuyển đổi năng lượng, khả năng thích ứng và phục hồi, nông nghiệp bền vững và đa dạng sinh học.

Bởi vậy, có thể thấy tuyên bố của Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al-Jaber về một cơ sở khí hậu mới trị giá 4,5 tỷ USD dành riêng cho việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Phi là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi.

Tại hội nghị, ông Sultan Ahmed Al-Jaber nhấn mạnh sáng kiến này sẽ chứng minh cho thế giới thấy khả năng thương mại của việc đầu tư vào cuộc cách mạng năng lượng sạch ở châu Phi và cung cấp một mô hình có thể nhân rộng nhanh chóng trên khắp lục địa.

Chủ tịch COP28 cũng đang thúc đẩy các cuộc họp với lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới để xóa bỏ những rào cản lâu đời ngăn cản việc giải ngân cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với khí hậu khẩn cấp. Cách tiếp cận mới này mang lại hy vọng thực sự về việc giải phóng nguồn tài chính mà thế giới đang rất cần.

Các chuyên gia đánh giá châu Phi không chỉ có tiềm năng năng lượng mặt trời cao hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới mà còn có thể cung cấp năng lượng cho phần lớn hành tinh. Năng lượng tất nhiên là xương sống của tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp.

Luc dia Den: Trong tam cua hanh dong khi hau dang thay doi dang ke hinh anh 3Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi, ngày 19/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với nguồn năng lượng sạch dồi dào, châu Phi có thể nhanh chóng trở thành trung tâm toàn cầu cho các ngành công nghiệp sạch trong tương lai. Bằng cách đầu tư vào châu Phi, thế giới đang đầu tư vào một tương lai thịnh vượng bền vững cho tất cả mọi người.

Tuyên bố Nairobi cũng nhấn mạnh: “Cải cách tài chính đa phương là cần thiết nhưng chưa đủ để cung cấp quy mô tài trợ khí hậu mà thế giới cần nhằm đạt được mức giảm phát thải 45% vào năm 2030 theo Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu."

Cách đây 14 năm, các nước phát triển đã cam kết huy động 100 tỷ USD/năm cho việc thực hiện hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển. Tuyên bố Nairobi lưu ý rằng cam kết này đã không được đáp ứng, đồng thời kêu gọi các nước phát triển tôn trọng cam kết.

Tuyên bố Nairobi sẽ đóng vai trò là quan điểm của châu Phi trước các cuộc họp quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới ở Ấn Độ, Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu trong khuôn khổ COP28 tại Dubai, UAE vào tháng 11 tới.

Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Kenya William Ruto cho biết: “Tuyên bố mà chúng tôi đưa ra với thế giới ngày nay xác định và củng cố quan điểm của châu Phi trên con đường tiến tới hành động vì khí hậu và các nguyên tắc cơ bản mà cộng đồng quốc tế phải tuân theo để đảm bảo rằng các yêu cầu về kinh tế và sinh thái của nhân loại đạt được một cách hiệu quả, mạch lạc và bền vững."

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, châu Phi sẽ là châu lục dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu khi nhiều nước khu vực vẫn là các quốc gia thu nhập thấp, ít nguồn lực và chưa được trang bị tốt để ứng phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Có thể thấy, với những gì đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên, các nhà lãnh đạo châu Phi đang muốn chứng minh rằng các quốc gia châu Phi là giải pháp hiệu quả nhất trên thế giới đối với vấn đề biến đổi khí hậu - và hiện đang đi đầu trong hành động về khí hậu./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/luc-dia-den-trong-tam-cua-hanh-dong-khi-hau-dang-thay-doi-dang-ke/892984.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/luc-dia-den-trong-tam-cua-hanh-dong-khi-hau-dang-thay-doi-dang-ke/892984.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lục địa Đen: Trọng tâm của hành động khí hậu đang thay đổi đáng kể
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO