Lực đẩy cho cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Anh Minh| 19/02/2023 16:23

Việc ngân sách trung ương hỗ trợ 5.800 tỷ đồng được xem là một trong những điều kiện cần để đảm bảo tính khả thi cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Eo hẹp ngân sách địa phương

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 737/VPCP-KTTH gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái liên quan đến đề nghị của UBDN tỉnh Bình Phước về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Tại công văn này, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Bình Phước; đề xuất báo cáo Thủ tướng phương án xử lý phù hợp, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo trước đó của lãnh đạo Chính phủ.

Trước đó, giữa tháng 1/2023, UBND tỉnh Bình Phước, trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã có Văn bản số 214/UBND-TH đề nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ, bổ sung cho ngân sách địa phương khoảng 5.800 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án. Đề xuất trên liên tục được UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội như là một trong những điều kiện cần để đảm bảo tính khả thi của Dự án.

Được biết, tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông với Tập đoàn Vingroup - Ngân hàng Techcombank, liên danh được giao lập đề xuất đầu tư Dự án này một lần nữa khẳng định, với phương án nguồn vốn tham gia từ ngân sách nhà nước chỉ có 4.000 tỷ đồng, thì thời gian hợp đồng Dự án là trên 30 năm. Trong trường hợp nguồn vốn tham gia từ ngân sách nhà nước là 9.000 tỷ đồng, thời gian hợp đồng được rút ngắn dưới 25 năm.

“Tại các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ đã được phê duyệt, thời gian hoàn vốn phải dưới 25 năm mới có thể coi là khả thi và đủ sức hấp dẫn thuyết phục các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn”, đại diện liên danh Vingroup - Techcombank phân tích.

Liên danh cũng cho biết, trên cơ sở tình hình tài chính, biến động về thanh khoản và lãi suất…, tổng vốn dự kiến tối đa mà 2 doanh nghiệp có thể tham gia Dự án là 16.000 tỷ đồng. Số vốn còn lại, liên danh đề nghị 2 địa phương báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ bổ sung từ ngân sách địa phương để đảm bảo có đủ chi phí thực hiện công trình.

Thế khó tại Dự án là ngân sách của 2 địa phương Bình Phước và Đắk Nông chỉ có thể cân đối hỗ trợ tối đa khoảng 4.000 tỷ đồng (trong đó UBND tỉnh Bình Phước hỗ trợ 3.000 tỷ đồng) để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, để thực hiện cam kết bố trí 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho Dự án, UBND tỉnh Bình Phước đã báo cáo cấp ủy, HĐND tỉnh điều chỉnh lại Kế hoạch đầu tư công ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phải cắt, chuyển sang Kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau 2025 nhiều công trình, dự án.

Điều đáng nói là, tại Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 2/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương năm 2023 (ổn định cho giai đoạn 2023- 2025) cho ngân sách tỉnh Bình Phước được xác định lại và giảm tương đối lớn so với số bổ sung từ ngân sách trung ương năm 2022 cho tỉnh Bình Phước (tương ứng gần 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2023-2025).

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn và khả năng sẽ không có nguồn để cân đối theo Kế hoạch đầu tư công ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh Bình Phước quyết định, trong đó có việc bố trí 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho Dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

“Trong bối cảnh cơ cấu ngân sách của Bình Phước chưa thật sự bền vững (thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuế đất trả tiền một lần chiếm đến gần 49% thu ngân sách địa phương được hưởng), nếu không có sự hỗ trợ của Trung ương, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối vốn cho các dự án phát triển, trong đó có tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết.

Vẫn còn room hỗ trợ

Cần phải nói thêm, UBND tỉnh Bình Phước thậm chí có thể nhận được dư địa hỗ trợ lớn hơn nếu chiểu theo Thông báo số 166/VPCP-CN ngày 6/6/2022 thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc về triển khai Dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Theo đó, bên cạnh nguồn vốn 4.000 tỷ đồng từ ngân sách 2 địa phương, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối các nguồn vốn ngân sách trung ương để hỗ trợ, bảo đảm tổng số vốn nhà nước tham gia Dự án (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) không quá 50% tổng mức đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP (thực hiện thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật sau khi xác định được nguồn vốn ngân sách trung ương cho Dự án). Phần còn lại, nhà đầu tư và ngân hàng chịu trách nhiệm thu xếp theo quy định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kịp thời giải quyết kiến nghị và hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm, bảo đảm đẩy nhanh thủ tục để Dự án có thể khởi công trong thời gian sớm nhất, hoàn thành trong năm 2025. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự để triển khai dự án nhanh nhất, rẻ nhất, chất lượng tốt nhất.

Tuy nhiên, việc ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.800 tỷ đồng chỉ là một điều kiện cần để Dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có thể sớm triển khai trên thực địa. Trong Công văn số 369/BC-UBND gửi Thủ tướng vào tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng cho phép giảm quy mô và cắt giảm một số hạng mục hoặc phân kỳ đầu tư giai đoạn sau để giảm chi phí đầu tư Dự án.

Trong số này, đáng chú ý nhất là quy mô đầu tư Dự án sẽ giảm từ 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng xe khẩn cấp với bề rộng nền đường 24,74 m xuống còn 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17 m; cắt giảm đoạn nối từ đầu tuyến đến TP. Gia Nghĩa với chiều dài 6,1 km và đoạn 2 km từ cuối tuyến kết nối vào đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Với quy mô trên, tổng mức đầu tư Dự án sẽ giảm từ hơn 33.000 tỷ đồng xuống còn 29.888 tỷ đồng. Trong trường hợp Chính phủ đồng ý hỗ trợ thêm 5.800 tỷ đồng, thì phần vốn nhà đầu tư tham gia vào Dự án là 20.088 tỷ đồng, chiếm 67,2% tổng mức đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, UBND tỉnh Bình Phước xin Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù tương tự như Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm việc được triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; cơ chế chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, xây lắp; cơ chế liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, đánh giá tác động môi trường…

Đối với đề xuất này, theo Bộ GTVT, thực tế cho thấy, một số dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù nêu trên đã rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai xây dựng.

Bộ GTVT đánh giá, đây là các cơ chế cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Tuy nhiên, trong trường hợp vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án khoảng 9.800 tỷ đồng, căn cứ quy định tại Điều 12, Luật PPP, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp UBND tỉnh Bình Phước đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù nêu trên, căn cứ quy định tại Điều 12, Luật PPP, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án thuộc Quốc hội, nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị chủ trương đầu tư Dự án và các công việc liên quan trong các bước tiếp theo.

“Vì vậy, UBND tỉnh Bình Phước cần rà soát, cân nhắc đề xuất này. Riêng đối với việc triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Phước cần làm rõ về mặt thuận lợi, cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định… đối với các cơ chế khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.

Dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành
l Điểm đầu giao với Quốc lộ 14 tại Km 1915+900 (Km1796+800 lý trình cao tốc Bắc - Nam phía Tây); điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Chiều dài tuyến khoảng 128,8 km, trong đó đoạn qua Đắk Nông khoảng 27,8 km; đoạn qua Bình Phước dài 101 km.
lTháng 5/2022, Vingroup - Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ GTVT đề xuất được thực hiện Dự án theo hình thức PPP. Hai đơn vị cam kết bỏ chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp các báo cáo này không được phê duyệt, Vingroup - Techcombank sẽ chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.
Theo baodautu.vn
Copy Link
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lực đẩy cho cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO