Đây được coi là một trong những nhân tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất; từ đó, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Mở rộng đối tượng sử dụng đất
Chia sẻ trên TTXVN, Luật sư Ngô Thành Ba, Văn phòng Luật sư Niềm tin Công lý, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều trường hợp người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mua đất ở trong nước phải nhờ người khác đứng tên thực hiện giao dịch.
Việc này đã phát sinh nhiều tranh chấp trong quá trình chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai. Việc Luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng đối tượng sử dụng đất sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.
Cụ thể, một số quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi) đã xác định rõ, người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mở rộng quyền và nghĩa vụ sử dụng đất đai
Cùng với đó là các quy định cụ thể, chi tiết mở rộng quyền và nghĩa vụ sử dụng đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai đối với hai đối tượng này như: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là đối tượng sử dụng đất và được hưởng tương đối đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam (riêng quyền thế chấp thì chỉ giới hạn là thế chấp tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam); tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được bổ sung một số quyền lợi như: Được nhận chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao...
Luật sư Ngô Thành Ba cho biết thêm, khác với quy định "Người sử dụng đất" tại Khoản 6 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013: "Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này…", tại Khoản 3, Khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 quy định: "Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở…".
Việc mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đã tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh, làm việc…
Luật sư Ngô Thành Ba cho rằng, đây là bước tiến quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi), tạo sự thống nhất với Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi); góp phần tăng cơ hội tiếp cận, sở hữu, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai; thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh doanh bất động sản nói riêng và đẩy mạnh nền kinh tế nói chung.
Rà soát các quy định liên quan đến quyền sử dụng đất
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong thời gian tới, Luật sư Ngô Thành Ba đề xuất, Chính phủ cần rà soát các quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật và một số quy định khác như: Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Chính phủ cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các đạo luật đã được ban hành; đặc biệt là các điểm mới, điểm cần được làm rõ để hướng dẫn đầy đủ, chi tiết hơn cho người dân, tổ chức và các bên liên quan hiểu, thực hiện đúng, từ đó hạn chế vi phạm, tiêu cực và tăng hiệu lực thực thi Luật Đất đai (sửa đổi).
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy sửa đổi các luật liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào theo hướng cởi mở, thuận lợi hơn, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam./.