Luật Đất đai 2024 - Chìa khóa gỡ vướng quy hoạch
Luật Đất đai 2024 đã bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung để góp phần gỡ vướng tình trạng quy hoạch treo.
Bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định
Quy hoạch được hiểu là việc cơ quan Nhà nước phê duyệt về sự phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống trên một lãnh thổ nhất định. Mục đích của việc quy hoạch là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ theo thời gian và là cơ sở để lập các kế hoạch phát triển.
Theo Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có 5 loại quy hoạch: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, đất quốc phòng và đất an ninh.
Quy hoạch sử dụng đất có chu kỳ 10 năm. Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, đất quốc phòng, đất an ninh là 5 năm. Riêng kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.
Cả Luật Đất đai cũ và mới đều có riêng 1 chương quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong chương này quy định rõ: hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định, quyết định, phê duyệt, điều chỉnh… quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Sở TN-MT Đắk Nông, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch. So với Luật Đất đai năm 2013, các quy định của luật mới rõ và chi tiết hơn.
Điều 76, Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Luật Đất đai năm 2013 quy định tại Điều 49).
Trường hợp quy hoạch sử dụng đất được công bố công khai mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng được thực hiện đủ các quyền sử dụng đất.
UBND cấp huyện nơi có dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc dự án có nguy cơ đe dọa tính mạng con người phải công bố công khai phạm vi thu hồi đất theo tiến độ dự án đến người sử dụng đất.
Những người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch này vẫn được thực hiện các quyền nhưng không được xây dựng nhà ở, công trình, trồng mới cây lâu năm.
Người sử dụng đất được xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn, cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ là người sử dụng đất được xây dựng nhưng có thời hạn. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định, người sử dụng đất chỉ được sửa chữa khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Trên thực tế, hầu hết các cơ quan địa phương không cho phép hoặc không dám cho phép người dân trong vùng quy hoạch cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có. Điều này khiến cho nhiều người dân trong vùng quy hoạch phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà cũ và nguy hiểm.
Rút ngắn thời gian, phân định thẩm quyền
Luật Đất đai năm 2024 có sự rút ngắn thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đối với các diện tích đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất phải phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án. Luật Đất đai năm 2013 thời hạn là 3 năm còn Luật Đất đai năm 2024 là 2 năm.
Điều 76, Luật Đất đai năm 2023 quy định, trong 2 năm liên tục được phê duyệt thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng chưa có quyết định thu hồi, cấp huyện phải xem xét, đánh giá điều chỉnh, hủy bỏ. Việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi đất phải được công bố công khai.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định.
Theo Sở TN-MT Đắk Nông, Luật Đất đai năm 2024 quy định rất rõ về việc tổ chức, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 76. Khoản 8, Điều 76 phân định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi đất… Việc rà soát được công khai trên trang thông tin điện tử và gửi đến Bộ TN-MT, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định rõ hơn về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (Điều 66) so với Luật Đất đai năm 2013 (Điều 40). Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo định hướng sử dụng đất, tầm nhìn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế… chứ không ấn định rõ về thời gian 10 năm như trước.
Khoản 4, Điều 66, Luật Đất đai năm 2023 quy định, các đơn thị hành chính cấp huyện (gồm quận, thành phố, thị xã) thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Cấp huyện căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Tại Điều 73, Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Giống như Luật Đất đai năm 2013, việc điều chỉnh quy hoạch vẫn bám vào nguyên tắc, cấp nào phê duyệt thì cấp đó có thẩm quyền điều chỉnh.
Nghĩa là quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì do UBND cấp tỉnh rà soát và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ do UBND cấp huyện rà soát, điều chỉnh. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ hơn về nguyên tắc, thời gian, căn cứ điều chỉnh… của quy hoạch sử dụng đất.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT Đắk Nông, Luật Đất đai năm 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024. Trước đó, Chính phủ đã ban hành một loạt các nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật Đất đai và các vấn đề có liên quan.
“Luật Đất đai có nhiều điểm mới, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai. Các quy định trên sẽ góp phần trong việc gỡ vướng quy hoạch treo, dự án treo. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, cần có sự quan tâm, chung tay tháo gỡ của nhiều ngành chứ không riêng ngành TN-MT”, lãnh đạo Sở TN-MT Đắk Nông cho hay.