![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. |
Liên quan Luật Dẫn độ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc xây dựng luật phải bảo đảm khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền lợi của quốc gia và công dân. Cần làm rõ các nguyên tắc dẫn độ, đặc biệt là nguyên tắc dẫn độ công dân Việt Nam và không dẫn độ công dân Việt Nam; các trường hợp từ chối dẫn độ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và phù hợp thông lệ quốc tế. Quy định chặt chẽ các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền được tiếp cận pháp lý, quyền không bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo trong quá trình dẫn độ, bảo đảm tính nhân văn, tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người...
"Thủ tục dẫn độ bảo đảm minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong hợp tác quốc tế. Rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các hiệp định quốc tế liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ các nguyên tắc dẫn độ, cần bổ sung quy định chi tiết hơn về các nguyên tắc, như bình đẳng, chủ quyền, định danh kép, hành vi tội phạm theo luật của cả 2 nước, không dẫn độ công dân Việt Nam trong một số trường hợp để tránh áp dụng tuỳ tiện... Đồng thời, quy định rõ hơn việc từ chối dẫn độ, lý do đặc biệt như nhân đạo, chính trị để giảm thiểu sự phụ thuộc vào ý chí chủ quan cũng như cơ quan thẩm quyền...; tăng cường ký kết hiệp định song phương với các quốc gia chưa có thoả thuận để mở rộng phạm vi hợp tác, đặc biệt là nước có lượng lớn công dân Việt Nam sinh sống...
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Chủ tịch Quốc hội giao Uỷ ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phối hợp Uỷ ban Pháp luật - Tư pháp và các cơ quan vào cuộc chi tiết để thẩm định, làm cho rõ. Tăng cường cơ chế giám sát, minh bạch, công khai thông tin. "Liên quan con người phải thận trọng, chi tiết, quy định rõ trong Luật" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu quan tâm giải quyết xung đột pháp luật nội địa; chú ý đào tạo, nâng cao năng lực, bảo vệ công dân Việt Nam, bảo vệ quyền của người bị dẫn độ...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, Luật Dẫn độ là văn bản pháp lý đầu tiên, điều chỉnh toàn diện, chuyên biệt về lĩnh vực dẫn độ, thay thế quy định chung chung trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, đã tách bạch việc dẫn độ người Việt Nam ra nước ngoài và dẫn độ người từ nước ngoài về Việt Nam, góp phần phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là các loại tội phạm quan trọng như: tham nhũng, khủng bố, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao mà nghi phạm là công dân Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga bày tỏ thống nhất với việc một luật (Luật Tương trợ tư pháp) chuyển thành 4 luật như trên, với hồ sơ đầy đủ, nghiêm túc, tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ngắn gọn, súc tích. Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga băn khoăn việc 4 luật tách ra từ 1 luật nhưng giao cho 3 cơ quan soạn thảo, trong đó hai luật do Bộ Công an chủ trì giao cho 2 nhóm soạn thảo; đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất, về nội dung, bố cục, kinh phí, hiệu lực thi hành...
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Liên quan Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đồng tình với quy định "người đang chấp hành án phạt tù hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thể tự nguyện đóng góp, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao theo quy định của pháp luật", bởi điều này sẽ giúp giảm chi phí cho ngân sách và linh hoạt trong thực tiễn thi hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cùng chung quan điểm: "Trong trường hợp huy động các nguồn lực xã hội hoá để giảm chi ngân sách thì hoàn toàn có thể", song ông cũng đề nghị cần làm rõ cơ chế thực hiện việc huy động, cơ chế tiếp nhận, quản lý nguồn hỗ trợ, nguyên tắc ưu tiên, chi trả nguồn hỗ trợ, cơ chế để bảo đảm người đang thi hành án không bị ép buộc, không chịu áp lực đóng tiền để được chuyển giao, tránh biến quy định nhân đạo thành một dạng trao đổi có điều kiện...
![]() |
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trình bày các Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Dẫn độ, dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. |
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 2 dự án luật: Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Uỷ ban Pháp luật - Tư pháp đã tích cực thẩm tra, đóng góp ý kiến, khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát lại bố cục, nội dung cho phù hợp, bảo đảm đồng bộ giữa 4 luật, báo cáo Chính phủ điều chỉnh, hoàn thiện các dự án luật...