Luật Dẫn độ phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ

Nguyễn Dịu| 15/04/2025 17:09

Bộ Công an vừa mới dự thảo xong Luật Dẫn độ, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV gồm 05 chương và 45 điều. So với Luật Tương trợ tư pháp (TTTP), trong lĩnh vực dẫn độ, dự thảo Luật Dẫn độ sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 01.

Theo đó, Chương I (Những quy định chung) gồm 15 điều (từ Điều 1 đến Điều 15); Chương II (Dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam) gồm 08 điều (Từ Điều 16 đến Điều 23); Chương III (Dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài) gồm 18 điều (từ Điều 24 đến Điều 41); Chương IV (Quản lý nhà nước về dẫn độ) gồm 02 điều (Điều 42 và 43); Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 02 điều (Điều 44 và 45).

Dự thảo Chương I (Những quy định chung)  có những nội dung đáng chú ý như sau:

- Về nguyên tắc dẫn độ, dự thảo Luật kế thừa nguyên tắc trong Luật Tương trợ tư pháp (TTTP), có điều chỉnh cho phù hợp với lĩnh vực dẫn độ.

- Về các trường hợp có thể bị dẫn độ, dự thảo Luật kế thừa quy định về trường hợp bị dẫn độ trong Luật TTTP; đồng thời bổ sung trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi phạm tội, trong đó mỗi hành vi cấu thành một tội phạm theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài và có ít nhất một hành vi đáp ứng được các điều kiện “hành vi phạm tội mà pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài quy định hình phạt tù có thời hạn từ 01 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người đó còn lại ít nhất 06 tháng” thì Việt Nam có thể đồng ý dẫn độ đối với tất cả các hành vi đó. Trường hợp Việt Nam là nước yêu cầu, Bộ Công an đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đồng ý dẫn độ với các trường hợp tương tự.

Việc bổ sung quy định này là phù hợp với pháp luật quốc tế và thông lệ quốc tế cũng như để giải quyết các trường hợp trong các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký với các nước, góp phần ngăn ngừa bỏ lọt tội phạm.

- Về hợp pháp hóa lãnh sự, dự thảo Luật quy định hồ sơ yêu cầu dẫn độ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự nếu được ký và đóng dấu bởi cơ quan và người có thẩm quyền. Đây là quy định mới so với Luật TTTP, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ.

Đại diện Bộ công an Việt Nam tiến hành bàn giao phạm nhân Nikolaenko Galina (nữ - áo đen/trắng) cho Cơ quan Thi hành án hình sự Liên bang Nga vào ngày 27/02/2025.


- Về dẫn độ có điều kiện, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này. Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này. Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP.

- Về thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình. Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.

Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP. Việc quy định theo hướng này là phù hợp với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định về không truy cứu trách nhiệm hình sự, không thi hành án đối với người bị dẫn độ ngoài tội phạm được nêu trong yêu cầu dẫn độ; không dẫn độ cho nước thứ ba. Theo đó, người bị dẫn độ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không phải thi hành án tại nước yêu cầu dẫn độ vì một tội khác với tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ được thực hiện trước khi bị dẫn độ hoặc không bị dẫn độ cho nước thứ ba, trừ các trường hợp sau đây: (1) Nước được yêu cầu đã đồng ý trước đó bằng văn bản; (2) Người bị dẫn độ đã không rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người đó được tự do rời đi. Thời hạn này sẽ không bao gồm thời gian mà người đó không thể ra khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ vì những lý do bất khả kháng; (3) Người bị dẫn độ đã tự nguyện quay trở lại sau khi đã rời khỏi lãnh thổ của nước yêu cầu dẫn độ.

Về cơ bản, quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời có bổ sung trường hợp (2) và (3). Quy định này được ban hành nhằm bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ.

- Về quá cảnh người bị dẫn độ, dự thảo Luật quy định việc quá cảnh người bị dẫn độ qua lãnh thổ Việt Nam phải được thông báo trước bằng văn bản đến Bộ Công an. Nước đề nghị quá cảnh người bị dẫn độ chịu trách nhiệm quản lý người đó trong thời gian quá cảnh Việt Nam, chịu mọi chi phí quá cảnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp Việt Nam đề nghị nước ngoài cho phép quá cảnh người bị dẫn độ thì Bộ Công an liên hệ với nước ngoài để thực hiện các thủ tục xin phép quá cảnh người bị dẫn độ.

Về cơ bản, quy định này là chi tiết hơn so với quy định về quá cảnh trong Luật TTTP, nâng cao trách nhiệm của nước yêu cầu quá cảnh, phù hợp với pháp luật Việt Nam về quá cảnh.

Theo bocongan.gov.vn
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/gioi-thieu-van-ban/luat-dan-do-phu-hop-voi-cac-dieu-uoc-quoc-te-ma-viet-nam-la-thanh-vien-cung-nhu-phap-luat-va-thong-le-quoc-te-ve-dan-do-d1-t1696.html
Copy Link
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/gioi-thieu-van-ban/luat-dan-do-phu-hop-voi-cac-dieu-uoc-quoc-te-ma-viet-nam-la-thanh-vien-cung-nhu-phap-luat-va-thong-le-quoc-te-ve-dan-do-d1-t1696.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Luật Dẫn độ phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO