Lúa đông xuân bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường

Văn Tâm| 15/03/2021 08:40

Đến thời điểm hiện nay, tình hình sản xuất vụ đông xuân tại các huyện được đánh giá khá thuận lợi. Tuy nhiên, trong một vài thời điểm, do thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh xuống giống khoảng 10.194 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích lúa 4.872 ha, ngô 2.074 ha, diện tích còn lại là cây ngắn ngày như rau xanh, đậu các loại, khoai lang.

Nông dân thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà (Krông Nô) thăm đồng theo dõi sâu bệnh hại trên ruộng lúa

Thời gian qua, do tình hình thời tiết diễn biến thất thường như đầu vụ xảy ra đợt rét nhiều ngày, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ về đêm xuống thấp... ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Mặc khác, với nền nhiệt độ này, các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại cũng rất dễ phát sinh, làm hại cho cây trồng.

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà (Krông Nô), thường xuyên ra đồng theo dõi ruộng lúa để kịp thời phòng sâu bệnh hại. Vụ đông xuân này, gia đình bà Hoa xuống giống hơn 3 sào lúa. Vụ này do thời tiết diễn biến cực đoan, nên ruộng lúa của bà phát triển không bằng những năm trước.

Bà Hoa cho biết: “Do đồng ruộng canh tác lâu năm, kỹ thuật gieo trồng đơn giản nên cây lúa rất dễ phát sinh dịch bệnh. Trong vụ này, khi ruộng lúa vừa bén rễ đã bị nhiễm bọ trĩ. Tôi đã kịp thời sử dụng thuốc phòng trừ nên ruộng lúa mới phát triển ổn định”.

Cũng như bà Hoa, thời điểm này, các hộ sản xuất lúa nước ở huyện Krông Nô luôn tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Nhất là tại những trà lúa xuống giống muộn và một số cánh đồng thiếu nước tưới, cây lúa phát triển kém và dễ bị các loại sâu bệnh tấn công.

Trong những ngày qua, tại một số địa phương, nhiều hộ đã thường xuyên túc trực trên cánh đồng để lấy nước, theo dõi sâu bệnh trên đồng ruộng. Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô, vụ đông xuân này, với diện tích khoảng 2.000 ha lúa, 1.500 ha ngô, việc quản lý phòng bệnh của các cấp, ngành, địa phương luôn được vận hành ở cấp độ cao nhất.

Còn tại xã Cư K’nia (Chư Jút), gia đình ông Trần Văn Lâm thường xuyên bám đồng để theo dõi quá trình phát triển của cây trồng. Ngoài bón phân, làm cỏ, ông Lâm còn định kỳ phun thuốc phòng bệnh kịp thời cho ruộng lúa.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút) phun thuốc phòng bệnh cho ruộng lúa

Theo ông Lâm, từ đầu vụ đến nay, sâu hại xuất hiện không đáng kể. Ngoài bọ trĩ thì các loại sâu hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu… xuất hiện rải rác trên các cánh đồng. “Việc phát sinh sâu hại trong sản xuất nông nghiệp ít hay nhiều thì vụ nào cũng có. Điều quan trọng là phải biết tuân thủ quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để xử lý”, ông Lâm cho hay.

Theo nhiều người dân, mặc dù trên các cánh đồng, sâu bệnh phát sinh không đáng kể, nguồn nước đáp ứng đủ tưới tiêu, nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng kém. Một số diện tích lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, trổ lá ở một số cánh đồng xuất hiện dấu hiệu chậm phát triển. Điều này khiến cho cây lúa bị bó rễ, vàng lá, lá dày, có nơi bị úa vàng bất thường.

Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K’nia cho biết: “Hiện tượng này xuất hiện trên diện rộng. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường, nên cây lúa sinh trưởng phát triển kém. Với hiện tượng này, khả năng vụ đông xuân năm nay năng suất lúa sẽ đạt thấp”.

Qua theo dõi của Phòng Nông nghiệp – PTNT các huyện, nguyên nhân do ở giai đoạn sạ và mạ non, cây lúa gặp rét hại kéo dài, trời âm u, số giờ nắng ít, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của mạ.

Cùng với đó, việc làm cỏ, sục bùn không thường xuyên, dẫn đến đất bị yếm khí, bị chua, làm nghẹt rễ, bó rễ, nên cây lúa sinh trưởng phát triển kém. Nếu không có biện pháp kịp thời, lúa sẽ đẻ nhánh chậm, ít dảnh, trổ bông muộn, chín muộn và giảm năng suất.

Để cây lúa sinh trưởng phát triển bình thường, trong giai đoạn hiện tại, theo các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, bà con cần tiến hành điều tiết nước hợp lý, giữ ở mức 1 – 2 cm. Bà con không được để ruộng bị khô hạn hoặc giữ mực nước quá sâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình đẻ nhánh của cây lúa.

Ngoài ra, bà con cần bón thêm vôi, phân chuồng, bổ sung chế phẩm kích thích rễ theo hướng dẫn và tiến hành làm cỏ, sục bùn, tạo độ thoáng khí cho các ruộng lúa bị chua, yếm khí, bộ rễ bị thâm đen.

Khi cây lúa phát triển bình thường trở lại, bà con cần thường xuyên thăm đồng để điều tiết nước hợp lý, phát hiện kịp thời sâu bệnh, tiếp tục bón thúc đón đòng và bón đòng đầy đủ theo quy trình trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/lua-dong-xuan-bi-anh-huong-boi-thoi-tiet-bat-thuong-85095.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/lua-dong-xuan-bi-anh-huong-boi-thoi-tiet-bat-thuong-85095.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Lúa đông xuân bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO