Văn học - Nghệ thuật

Lửa còn sáng mãi

Việt Thu 01/09/2024 15:59

Mấy ngày nay, căn nhà của già Y Môn lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa của các cháu thiếu nhi.

Dưới bóng cây râm mát trên khoảng sân nhỏ, các cháu lặng im nghe già kể chuyện đánh Pháp rồi đánh Mỹ. Những khuôn mặt trẻ thơ háo hức, những cặp mắt sáng như những vì sao và màu khăn quàng đỏ tươi ánh lên rực rỡ dưới nắng khiến già có cảm giác trẻ lại cả vài chục tuổi.

Năm nay, già đã ngoài chín mươi mà giọng nói vẫn sang sảng, nước da đỏ au như thể ngọn lửa ở nhà dài hàng mấy chục năm đã ngấm sâu vào da thịt của già, bừng cháy suốt ngày đêm không bao giờ tắt. Già còn minh mẫn, nhớ rõ từng câu chuyện của bon làng trong những năm tháng nghe theo lời gọi của Bác Hồ đứng lên kề vai sát cánh đánh giặc.

truyện 2png

Già đưa cánh tay chỉ cho các cháu học sinh thấy những lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phấp phới chào đón ngày Tết Độc lập của đất nước trên nóc những dãy nhà cao tầng được xây dựng khắp các ngọn đồi, bắt đầu kể:

- Các cháu đang thấy những ngôi nhà cao tầng khang trang, những con đường trải nhựa cho xe chạy bon bon từ thành phố về đến bon làng chắc không tưởng tượng được nơi này ngày xưa, khi các bon làng đang chung sống yên bình, chăm chỉ làm lụng thì giặc Pháp kéo đến. Chúng gây ra bao nhiêu tội ác khủng khiếp. Người không còn chỗ trú thân, chim rừng sợ không dám bay về đậu trên ngọn cây mà ngủ. Bầy thú hoang cũng sợ hãi mà trốn tít vào rừng sâu…

Nắng sớm mai rọi xuống kẽ lá, đậu trên vai áo đồng phục trắng tinh của đám trẻ. Không gian chỉ còn giọng kể trầm ấm của già Y Môn. Mấy chú chim sâu bé xinh tinh nghịch trên cành đang líu ríu cũng ngừng lại, lắng tai nghe. Giọng kể của già như bay về tháng ngày đầy gian khó của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngàn năm bất khuất.

Bon Đắk Nơ yên bình một ngày dậy lên những tiếng khóc than vang vọng khắp các ngọn đồi, con suối. Giặc Pháp đã mò đến bon làng, bắt đàn ông đi làm đường, trồng cà phê, trồng chè. Ai không chịu đi chúng sẽ nhốt vào cái nhà tù được xây bằng đá, hành hạ, đánh đập. Bon làng quanh năm quần quật với nương rẫy còn không đủ ăn, nhiều khi đói phải vào rừng đào củ mài qua bữa. Vậy mà giặc Pháp còn lùng bắt người đi lính, đòi thuế, bắt con gái đẹp mang lên đồn cho chúng. A ma của Y Môn bị hành hạ trong nhà tù, đến lúc được thả ra, ông chỉ kịp nhìn vợ con một lần cuối rồi tắt thở. Lúc ấy, già Y Môn mới hơn mười lăm mùa rẫy.

Lòng căm thù như ngọn lửa lúc nào cũng rừng rực cháy trong lòng cậu thiếu niên Y Môn. Cậu gặp già làng, bàn với bon làng tìm cách đánh Pháp, không cho Pháp vào bon làng bắt đàn ông trai tráng phải đi làm cho chúng nữa. Nhưng ai cũng ngần ngại. Chẳng biết tin từ đâu truyền về, khắp các bon làng ở Tây Nguyên bảo nhau rằng giặc Pháp mắt xanh, da trắng, tóc vàng là người Yàng, tên bắn không xuyên thủng người nó được. Đã có người ở bon cách đây ba ngọn đồi dùng tên bắn nó mà không thấy nó chảy máu. Nó còn dùng đạn bắn lại khiến người ấy chết và đốt sạch cả bon. May mà chạy kịp vào rừng mới không chết cháy hết cả.

Y Môn không tin Pháp là người Yàng. Người Yàng thì sao mà ác thế được. Lúc nào chúng nó cũng lăm lăm súng ống và roi da, người già cũng không tha, trẻ con cũng không tha. Bao nhiêu tấm lưng trần tóe máu, lằn những vệt roi sâu tận xương. Phải làm sao để cho bon làng biết giặc Pháp không phải là người Yàng. Chỉ khi hết sợ, mọi người mới cùng dám đứng lên đánh Pháp.

Y Môn đã nhờ người giỏi nhất trong bon dạy mình bắn tên rồi rủ ra đồn Pháp ngồi rình giặc. Đợi suốt cả đêm, đến gần sáng thì có tên lính Pháp say rượu đi ra. Vút, mũi tên từ Y Môn đã xuyên vào mắt tên lính Pháp khiến hắn rú lên ôm mặt. Máu tuôn qua kẽ tay rơi xuống. Y Môn mừng rỡ đưa tay lên bụm miệng để ngăn không cho mình hét lên. Vậy là Pháp không phải người Yàng. Tên bắn vào người nó không xuyên qua được vì nó mặc áo giáp. Cả bon làng mình đánh Pháp được rồi!

Từ ngày ấy, Y Môn cùng cả bon đào hố chông, làm bẫy đá khắp các con đường, các vạt đồi dẫn vào bon. Các đồn điền chúng dựng lên, Y Môn cùng các chàng trai trong bon cũng rình đốt bằng sạch. Giặc Pháp sợ hãi, chỉ cần nghe đến tên bon Đắk Nơ là đùn đẩy nhau, không tên nào muốn vào bắt người, cướp heo, cướp gà. Y Môn không muốn dừng lại ở đó, cậu còn muốn giặc Pháp khi nghe đến bất cứ bon làng nào trên mảnh đất Tây Nguyên này đều phải run sợ. Có người trong bon lên tỉnh về kể chuyện người quen là lính khố xanh về kể bọn Pháp sợ Việt Minh. Những người Việt Minh không sợ Pháp, không sợ chết, không sợ tù đày. Người này ngã xuống, người kia lại đứng lên đánh Pháp. Việt Minh đoàn kết tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam đứng lên đánh đuổi Pháp.

Y Môn nung nấu ý nghĩ muốn tìm đến những người Việt Minh. Yàng như biết mong muốn của Y Môn, một ngày có hai người Việt Minh lội suối, băng rừng tìm đến. Người Việt Minh cũng như Y Môn, là người Kinh, người Ê đê, người M’nông, Bana, vì thương đồng bào lầm than, vì căm thù quân giặc mà đứng lên đánh cho Pháp phải bỏ chạy. Y Môn trở thành một chiến sĩ cách mạng từ ngày ấy.

Tháng Tám năm 1945, khắp núi rừng Tây Nguyên nô nức. Tiếng cồng chiêng ngân vang không dứt, bay qua cả ngọn núi, bay qua các cánh rừng, hòa vào tiếng thác, tiếng suối reo báo tin mừng chiến thắng. Đại diện Việt Minh về tiếp nhận chính quyền, buộc quân giặc phải buông vũ khí đầu hàng. Sau ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, Y Môn vui mừng báo cho cả bon làng Đắk Nơ biết cả nước đã có Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Dừng lại một chút để kìm nỗi xúc động, già Y Môn kể lại chuyện mình được gặp Bác Hồ. Mấy chục năm rồi, hơi ấm từ đôi bàn tay Bác truyền qua lúc Bác nắm tay già như vẫn còn đọng lại. Đôi mắt Bác tràn đầy tình thương, hiền từ như ông Tiên, ông Bụt. Bác hỏi thăm đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bác dặn dò phải cố gắng học tập, rèn luyện để đem sức mình dành độc lập cho bà con, mang hạnh phúc, ấm no cho tất cả các bon làng, thôn bản trên khắp đất nước mình.

Lời dặn dò của Bác Hồ đã theo cậu thanh niên Y Môn khi cậu trở thành một anh bộ đội kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Chính chàng trai Y Môn đã nghĩ ra sáng kiến dùng củi đốt cháy phá cầu sắt để ngăn giặc. Cũng chính anh bộ đội Y Môn đã đóng giả làm lính Pháp để quân ta tiêu diệt đồn. Nghe đến tên Y Môn, giặc Pháp run sợ treo thưởng tới cả mấy trăm con trâu để bắt về xử tội. Nhưng núi rừng che giấu anh, bà con bon làng che chở cho anh. Đuổi Pháp xong, được ra Bắc đi học nhưng khi biết giặc Mỹ giày xéo quê hương, anh đã nằng nặc xin quay trở về cùng bà con đánh Mỹ. Bàn chân anh bộ đội Y Môn đã vượt Trường Sơn suốt ba tháng trời ròng rã để trở về với bon làng. Lời dặn của Bác mấy chục năm nay già vẫn luôn tâm niệm, ghi nhớ để sống xứng đáng với niềm tin của Bác dành cho đồng bào Tây Nguyên…

Câu chuyện vừa dứt, chị H’Thủy, cháu nội của già mang những trái sầu riêng, ổi từ vườn nhà ra mời các cô giáo và các em học sinh. Chị H’Thủy hiện đang là một chiến sĩ công an, đi theo con đường mà già Y Môn, cha chị, các chú, các cô của chị đã tiếp nối. Chị kể, phải năn nỉ mãi từ chục năm nay ông mới chịu ra ở cùng với con cháu. Ông bảo, ông sống cùng bà con bon làng quen rồi, không muốn đi đâu. Bây giờ ở bon làng cũng có đường nhựa vào tận nơi, có điện, có trạm y tế, có cả mạng internet, muốn xem cái gì bật ti vi lên là xem được hết. Chị phải nói ông đi lên ở với con cháu mới càng biết được Tây Nguyên mình giờ phát triển như nào, đời sống bà con khấm khá ra sao. Bà con tỉnh mình trồng sầu riêng, trồng mắc ca, trồng cà phê đã làm giàu, xây nhà tầng, mua ô tô, cho con đi học đại học. Ông phải đi để biết, sau này về cõi A tâu, gặp đồng chí, đồng đội ngày xưa, kể để các bác, các chú mừng vì những hi sinh của mình đã được con cháu ghi nhớ và tiếp nối để xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc.

Các cháu học sinh ríu rít mời già đi thăm tượng đài N'Trang Lơng. Từ trên tượng đài sẽ ngắm nhìn được vẻ đẹp của thành phố Gia Nghĩa đang từng ngày thay da, đổi thịt. Già Y Môn đồng ý ngay. Chân già còn khỏe, mắt già còn tinh lắm. Càng đi, càng ngắm già lại càng khỏe mạnh, minh mẫn hơn. Già phải khỏe, phải sống lâu hơn nữa để chứng kiến thành quả đổi mới của đất nước, cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chứ.

Già cười và đáp lại lời mời của các cháu. Vừa đi, già vừa đọc lá thư Bác Hồ gửi Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tại Đại hội đoàn kết Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên chống Pháp mà già đã thuộc lòng. Các cháu nắm tay già, khăn quàng đỏ rực tươi bay trong nắng gió, rực lên như những ngọn lửa hồng không bao giờ tắt.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lửa còn sáng mãi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO