Video clip:
Lũ bất ngờ giữa mùa khô
Sáng 3/12/2020, nhiều hộ dân ở thị trấn Ea T'ling phản ánh nước sông Sêrêpốk dâng cao đột ngột đã cuốn trôi nhiều lồng cá nuôi trên sông và ngập một số diện tích cây trồng ven sông.
Phóng viên Báo Đắk Nông nhanh chóng đến hiện trường và ghi nhận đoạn sông Sêrêpốk chảy qua địa phận thôn 7, thị trấn Ea T'ling, nước dâng cao và chảy rất mạnh. Một số nhà cửa, cây cối của người dân gần bờ sông bị ngập sâu.
Trên sông Sêrêpốk, đoạn qua tổ dân phố 7, thị trấn Ea T'ling và thôn 4, xã Tâm Thắng (Cư Jút) có nhiều hộ dân đang nuôi cá lồng. Một số hộ nuôi từ 10 - 20 lồng cá, chủ yếu là cá lăng đuôi đỏ. Nhiều lồng cá trong số đó đã bị cuốn trôi.
Gia đình ông Tống Văn Chung nuôi 20 lồng cá tại sông Sêrêpốk đoạn chảy qua tổ dân phố 7. Khoảng 5 giờ sáng 3/12, nước sông dâng cao đã cuốn của gia đình ông 10 lồng cá lăng đuôi đỏ (mỗi lồng 600 con) đã nuôi được 3 năm, 2 lồng cá lăng giống nuôi được 1 năm, 2 lồng cá trắm nuôi được 3 năm và 2 lồng cá trê, rô phi. "Chỉ tính riêng tiền cá, gia đình tôi đã thiệt hại vài tỷ đồng”, ông Chung phản ánh.
Nước sông Sêrêpốk dâng cao bất ngờ sáng 3/12 đã cuốn trôi nhiều bè cá lồng người dân nuôi trên sông |
Theo người dân địa phương, mực nước sông cao hơn khoảng 4 - 5m so với ngày thường. Đây là mức nước lớn nhất trong khoảng 20 năm gần đây. Nước lớn và quá mạnh đã kéo bứt toàn bộ hệ thống dây cáp giằng, néo các lồng cá. Theo các hộ dân, mất số lồng cá này, nhiều hộ có thể phải mang khoản nợ nhiều tỷ đồng.
Người dân sinh sống và nuôi cá lồng trên sông Sêrêpốk khẳng định, từ chiều 2/12/2020 đến khi nước dâng cao, họ không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc xả lũ của Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp.
Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Ea T'ling, sáng cùng ngày, đơn vị nhận được phản ánh của người dân về việc nước sông Sêrêpốk bất ngờ lên cao. “Chúng tôi đã cử cán bộ xuống xác minh và nắm bắt việc nước sông đã cuốn trôi nhiều lồng cá, làm ngập một số diện tích đất canh tác của người dân. UBND thị trấn đã báo cáo lên cấp trên và phối hợp với các đơn vị chuyên môn thống kê thiệt hại của người dân”, ông Ánh cho hay.
Thủy điện xả lũ có báo trước hay không?
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, nước sông Sêrêpốk dâng cao bất ngờ đã cuốn trôi 26 lồng cá của người dân. Trong số này, có 20 lồng bị cuốn trôi cả lồng và cá. Có 6 lồng bị cuốn trôi toàn bộ cá bên trong. Mỗi lồng cá nuôi khoảng 300kg cá từ 1 - 4 năm, chủ yếu là cá lăng đuôi đỏ. Phần lớn cá lăng được người dân nuôi lâu năm, trữ lại để bán trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới.
Nước lũ dâng cao bất ngờ cũng làm ngập nhiều tài sản và cây trồng của người dân ven sông. Qua báo cáo của thị trấn Ea T’ling và các xã Tâm Thắng, Nam Dong và Ea Pô, đã có khoảng 10ha cây trồng và nhiều tài sản của người dân ở các địa phương này bị nước ngập.
Ông Sơn cho biết thêm, theo quy chế phối hợp, các đơn vị thủy điện phải thông báo cho chính quyền và người dân ít nhất 3 giờ trước khi xả lũ. Nhưng khi nước đã dâng cao mà cả chính quyền và người dân không hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp.
“Vào khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi đã nhận được thông tin dân báo về việc trôi tài sản thì 7 giờ 39 phút chúng tôi mới nhận được điện thoại của cán bộ vận hành Thủy điện Buôn Kuốp về việc xả lũ 1.100m3/giây. Đến 8 giờ sáng cùng ngày, chúng tôi nhận được thông báo của Thủy điện Buôn Kuốp về việc xả lũ 1.600m3/giây. Nước lũ lên cao khoảng 4m vào lúc 5 giờ sáng và cuốn trôi tài sản của người dân thì ít nhất thủy điện đã xả trước đó vài tiếng đồng hồ. Nước dâng quá nhanh trong đêm khiến người dân trở tay không kịp. Chúng tôi đã liên hệ với Thủy điện Buôn Kuốp để tìm hiểu sự việc và đề nghị hỗ trợ”, ông Sơn thông tin.